Bản Cò Phạt của người Đan Lai giữa đại ngàn. Ảnh tư liệu: Phương Hoa – TTXVN |
Nội dung chính là bổ sung kinh phí để hoàn thiện các công trình đang dở dang; tổ chức di dời tái định cư cho 35 hộ đến vùng Kẻ Tắt (xã Thạch Ngàn) trong năm 2018; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho 221 hộ đang sinh sống tại bản Búng và bản Cò Phạt trong vùng sâu của Vườn Quốc gia Pù Mát; xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại điểm trung chuyển Bản Búng; bảo tồn và phát triển văn hóa tộc người Đan Lai, hạn chế nạn tảo hôn, sinh đẻ có kế hoạch, kế hoạch hóa gia đình.
Tộc người Đan Lai có 785 hộ, với 3.528 nhân khẩu (chiếm 4,8% dân số toàn huyện), cư trú rải rác trên địa bàn 6 xã của huyện Con Cuông. Do điều kiện cách biệt về địa lý, điều kiện lịch sử và các tập tục lạc hậu, cuộc sống tộc người Đan Lai dựa vào rừng, chủ yếu là săn bắn, hái lượm và phát rừng làm rẫy nên thiếu đói quanh năm; tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn ra nhiều. Tộc người này có chiều hướng suy thoái giống nòi, suy dinh dưỡng, còi cọc, trình độ dân trí thấp, bệnh tật ốm đau xảy ra thường xuyên, điều kiện đi lại để chăm sóc điều trị khó khăn, hạn chế về giao lưu tiếp xúc với xã hội bên ngoài.
Đôi mắt thơ ngây của em bé Đan Lai... Ảnh tư liệu: Phương Hoa – TTXVN |
Từ năm 2001, tỉnh Nghệ An phê duyệt Dự án đầu tư thực hiện tái định cư tộc người Đan Lai. Năm 2002, huyện Con Cuông di dời được 36 hộ ở bản Búng và bản Cò Phạt (xã Môn Sơn) ra khu tái định cư tại bản Tân Sơn và bản Cửa Rào gần trung tâm xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Đến năm 2006, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lại tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát”.
Tộc người Đan Lai kiếm sống từ rừng. Ảnh tư liệu: Phương Hoa – TTXVN |
Thực hiện đề án trên, tỉnh Nghệ An đã lập, phê duyệt quy hoạch hai điểm tái định cư và di dời tái định cư được 42 hộ; hỗ trợ ổn định sản xuất, đời sống cho 42 hộ đã di chuyển tái định cư tại xã Thạch Ngàn và tại bản Tân Sơn và Cửa Rào (xã Môn Sơn). Thông qua thực hiện đề án, nhiều công trình hạ tầng cơ sở đã được đầu tư thực hiện như trạm bơm điện, công trình thủy lợi, đường giao thông… Tuyến đường giao thông đã hoàn thành được 15 km từ trung tâm xã Môn Sơn đến bản Cò Phạt (xã Môn Sơn) và 18 km từ trung tâm xã Thạch Ngàn đến điểm tái định cư bản Bá Hạ (xã Thạch Ngàn). Cùng với đó, địa phương và các ngành chức năng đã tổ chức vận động đưa con em của các hộ dân tộc Đan Lai ra học tại các trường ở trung tâm xã và trường nội trú huyện để tạo nguồn lâu dài và hướng nghiệp sau về phục vụ địa phương thôn bản, đồng thời hỗ trợ tiền mua gạo ăn trong thời gian học tại trường. Các cơ quan tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức về sức khỏe sinh sản nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào về quan hệ hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số...
Người già Tộc người Đan Lai còn giữ tục ngủ ngồi. Ảnh tư liệu: Phương Hoa – TTXVN |
Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện đề án đang bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập. Nổi lên đó là có điểm tái định cư còn dở dang, chưa đủ điều kiện để di chuyển người dân đến. Một số tuyến đường xây dựng dở dang, phải tạm dừng thi công do thiếu vốn. Đời sống tinh thần, vật chất của nhiều hộ tái định cư thiếu bền vững. Một số hủ tục lạc hậu, tảo hôn, đời sống đồng bào tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tỉnh Nghệ An và huyện Con Cuông chưa cân đối được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ tái định cư...
Nguyễn Văn Nhật