Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7: Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7: Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Chiến tranh đã lùi xa, những cựu chiến binh mang theo vết thương lại lên đường đi tìm vùng đất mới lập nghiệp. Trên vùng đất mới đó, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, các cựu chiến binh đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ nhiều đồng đội, người dân có thu nhập ổn định.

Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7: Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ảnh 1Cựu chiến binh Nguyễn Chí Tạch với dây chuyền sản xuất thép gai, lưới B40. Ảnh: Quang Thái - TTXVN

Thương binh 2/4 Nguyễn Chí Tạch, ở xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai dù đã bước qua tuổi thất thập nhưng vẫn miệt mài làm kinh tế. Về vùng đất mới, nắm bắt được thị trường, ông mạnh dạn đầu tư hệ thống sản xuất thép gai, lưới B40. Nhờ tự sản xuất, chi phí nhân công, vận chuyển tiết kiệm được nên giá thành sản phẩm của gia đình ông làm ra thấp hơn giá thị trường, lượng tiêu thụ luôn ở mức cao. Mỗi năm, trừ hết tất cả chi phí sản xuất, nguyên liệu… gia đình ông thu nhập hơn 120 triệu.

Có được thị trường ổn định, ông Tạch thuê thêm nhân công, đều đặn hằng tháng, hai nhân công có việc làm với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ tạo việc làm, ông Tạch còn truyền dạy kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất thép gai, lưới B40 tận tình cho công nhân với suy nghĩ giúp họ có kinh nghiệm để tự lập nghiệp, nếu muốn.

Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7: Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ảnh 2Cựu chiến binh Phan Lạc Hoa đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều người dân với mức thu nhập từ 12- 15 triệu đồng/tháng. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Cũng chọn mảnh đất Đức Cơ làm nơi lập nghiệp, thương binh 4/4 Phan Lạc Hoa (60 tuổi, ở xã Ia Krê, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn không thể quên những tháng ngày khó khăn sau khi rời quân ngũ. Trở lại mảnh đất Đức Cơ, không có việc làm ổn định, ông đã làm đủ thứ việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Rồi cơ duyên đưa ông đến làm công nhân cho Công ty 75 - Binh đoàn 15. Thời gian làm tại đây, ông tích lũy kinh nghiệm cũng như vốn để mua đất trồng cao su, cà phê. Đất không phụ công người, đến nay ông đã sở hữu 4,5 hecta cao su và 1,8 hecta cà phê, mỗi năm thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng. 

Dù đã ổn định được cuộc sống, nhưng không bằng lòng với việc "nghỉ ngơi", ông tiếp tục đầu tư mua 2 máy cày công suất lớn rồi thuê 2 nhân công. Ông trực tiếp đi tìm việc, hợp đồng cày thuê để tạo việc làm cho họ với thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó ông cũng tạo việc làm cho 2 nhân công chăm sóc cao su với mức lương 12 triệu đồng/người/tháng; 1 hộ hợp đồng giao khoán 1,8 hecta cà phê với mức 50 triệu đồng/năm. “Mình cũng chịu khổ cực nhiều rồi, giờ mình có điều kiện tốt hơn nên cố gắng tạo việc làm cho càng nhiều người càng tốt”, cựu chiến binh Phan Lạc Hoa chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cho biết, các cựu chiến binh luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp. Nhiều cựu chiến binh, nhất là thương - bệnh binh đã có các sáng kiến, mô hình làm kinh tế cho thu nhập từ 700.000 - 1 tỷ đồng/năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, các cựu chiến binh còn tiên phong trong các phong trào tại địa phương. Riêng Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi của thị trấn Chư Ty, từ đầu năm đến nay đã quyên góp được 19 triệu đồng xây dựng nông thôn mới, 6 triệu đồng hỗ trợ cho các em hoạt động hè, 9 triệu đồng ủng hộ xã Ia Pnôn xây dựng hệ thống nước sạch… Đặc biệt, Câu lạc bộ đã huy động được 57 triệu đồng để cùng với chính quyền địa phương, xây dựng căn nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh Siu Điên (làng Sung Le Cắt, xã Ia Kha, huyện Đức Cơ).

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm