Nhằm thể hiện sự biết ơn đối với những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk luôn dành những tình cảm trân quý quan tâm, chăm lo cho các đối tượng. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của các hộ gia đình chính sách ngày càng ổn định, ấm cúng.
Niềm vui trọn nghĩa, trọn tình
Những ngày này, trong ngôi nhà của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1934, tại xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) rộn ràng tiếng cười. Năm nay, tuổi mẹ đã ngoài 90, sức khỏe cũng đã yếu hơn, thế nhưng, tình cảm, sự quan tâm mà các cấp, ban, ngành của tỉnh Đắk Lắk dành cho mẹ và gia đình đã tiếp thêm niềm vui, động lực để mẹ sống vui, khỏe.
Ông Đỗ Đăng Khoảnh (con trai út, người chịu trách nhiệm phụng dưỡng Mẹ) cho biết, gia đình được các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các cấp, chính quyền địa phương, Trung ương mỗi dịp Lễ, Tết đều về thăm, có lời động viên, nên rất xúc động. Đây cũng sẽ là động lực để ông cùng con cháu giữ vững tinh thần trách nhiệm chăm lo cho Mẹ tốt hơn.
Không riêng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thương, nhiều gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, liệt sỹ khác ở Đắk Lắk cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp.
Ông Nguyễn Trọng Chiến (sinh năm 1956, tại thôn 7, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) là bệnh binh 61%, bị mất sức vĩnh viễn. Ông Chiến cho biết, tháng 4/1974, ông lên đường nhập ngũ tại Quân Khu 7 (Thành phố Hồ Chí Minh). Gần 16 năm trong quân ngũ, năm 1990, ông giải ngũ trở về vùng đất Thái Bình. Cuộc sống khó khăn, đến năm 2001, ông cùng vợ con vào tỉnh Đắk Lắk để sinh sống. Những ngày đầu cuộc sống rất vất vả, sức khỏe yếu, mất sức lao động, ông Chiến phải đi làm thuê cho công ty tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước hoàn cảnh khó khăn, năm 2022, gia đình ông được chính quyền hỗ trợ 20 triệu đồng để mua bò sinh sản từ nguồn quỹ hỗ trợ sinh kế đối với diện gia đình chính sách, người có công. Nhờ nguồn thu từ bò mẹ, đến nay, gia đình ông Chiến đã nuôi được 1 heo nái rừng, đàn 7 con heo và 100 con ngan, gà, ngỗng, vịt… Ngoài số tiền được hưởng trợ cấp chế độ, bình quân, ông Chiến thu về 3-4 triệu đồng/tháng từ việc chăn nuôi.
“Được sự quan tâm hỗ trợ nguồn vốn phát triển chăn nuôi, kinh tế của gia đình tôi đi lên, dần khắc phục được những khó khăn. Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của các cấp, ngành”, ông Nguyễn Trọng Chiến chia sẻ.
Là con trai duy nhất của Liệt sỹ Ngô Quang Hởn (hy sinh năm 1972, tại tỉnh Long An), ông Ngô Quang Vinh (thôn 7, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) không giấu được niềm vui khi mới được chính quyền hỗ trợ tiền để xây dựng căn nhà ước mơ. Ông Ngô Quang Vinh cho biết, gia đình ông khó khăn, thu nhập chính là sào lúa và vài sào mì (cây sắn). Năm 1999, ông được chính quyền hỗ trợ xây dựng căn nhà tình nghĩa. Hơn 20 năm, căn nhà cũ đã xuống cấp, không còn ở được nữa. Mới đây, ông được Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh, huyện, xã hỗ trợ lần lượt 60 triệu đồng, 30 triệu đồng và10 triệu đồng cùng với số tiền gia đình vay mượn để xây ngôi nhà với diện tích 62m2.
“Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ của các cơ quan chính quyền, tôi xây ngôi nhà làm chỗ thờ cúng bố tôi (Liệt sỹ Ngô Quang Hởn). Thay mặt gia đình, tôi rất cảm ơn”, ông Vinh xúc động.
Tích cực chăm lo người có công
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 45.000 người có công với cách mạng, trong đó hơn 10.000 người hưởng trợ cấp với kinh phí chi trả hơn 25 tỷ đồng/tháng. Thời gian qua, việc chăm lo cho đối tượng chính sách được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Các dịp Lễ, Tết… các đối tượng đều được cấp ủy chính quyền địa phương thăm hỏi và tặng quà. Thực hiện các phong trào đền ơn đáp nghĩa, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, toàn tỉnh đã thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngoài hoạt động thăm hỏi, các địa phương tích cực hỗ trợ vật chất, tinh thần, tổ chức hoạt động nhằm giúp đỡ để các hộ gia đình chính sách, người có công vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế địa phương.
Chào mừng kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904-22/11/2024), đặc biệt, thực hiện triển khai chương trình hỗ trợ nhà cho gia đình chính sách, Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh hưởng ứng phong trào phát động trong toàn ngành. Qua khảo sát và đề xuất của các địa phương, hiện toàn tỉnh còn hơn 500 nhà, trong đó xây mới 200 căn, còn lại là sửa chữa.
Trong năm 2024 - 2025, ngành Lao động phấn đấu sẽ xóa sổ nhà ở khó khăn cho đối tượng gia đình chính sách. Năm 2024, ngành đã xây dựng kế hoạch phấn đấu xây dựng, sửa chữa 40 căn. Với quyết tâm, đến hết 2025, ngành phấn đấu sẽ xóa nhà tạm cho các hộ gia đình chính sách với mức hỗ trợ xây mới 60 triệu đồng/căn, sửa chữa 20 triệu đồng/căn.
“Quá trình triển khai có sự vào cuộc nhiệt tình của cấp ủy chính quyền địa phương. Mỗi huyện cam kết hỗ trợ bằng Quỹ đền ơn đáp nghĩa huyện xây mới 30 triệu đồng/căn, Quỹ đền ơn đáp nghĩa xã 10 triệu đồng/căn. Như vậy, với căn nhà xây mới được hỗ trợ khoảng 90 - 100 triệu đồng/căn. Bên cạnh đó, qua khảo sát có một số hộ bị vướng đất ở. Sở làm việc với các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ, chuyển sử dụng đất cho các hộ; đảm bảo đến cuối năm 2024 sẽ xử lý giải quyết về đất ở, chuẩn bị cho năm 2025 đồng loạt khởi công xây dựng mới, sửa chữa cho các hộ gia đình chính sách”, ông Thuân thông tin.
Theo ông Thuân, bên cạnh hỗ trợ nhà, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cũng có kế hoạch xây dựng hỗ trợ nhiều vấn đề khác để giúp hộ chính sách có mức sống trên trung bình. Trong quá trình triển khai, Sở tham mưu UBND tỉnh lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia để quan tâm hộ gia đình chính sách.
Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2024), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đang hướng đến các hoạt động nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng đã dũng cảm chiến đấu, cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viên các đối tượng. Những tình cảm trân quý trọn nghĩa, trọn tình thể hiện lòng biết ơn vô hạn trước những hy sinh lớn lao; đồng thời là bài học giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Nguyên Dung