Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7: Huy động các nguồn lực chăm lo cho các đối tượng chính sách

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Bạc Liêu luôn dành nguồn lực, quan tâm, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Cùng với chi trả kịp thời và đầy đủ các chế độ, tỉnh còn hỗ trợ về nhà ở, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh hạng 1/4, 2/4… Qua đó, phần nào xoa dịu nỗi đau chiến tranh, giúp các gia đình chính sách có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

vna_potal_bac_lieu_huy_dong_cac_nguon_luc_cham_lo_cho_gia_dinh_chinh_sach_7490924.jpg
Bà Lê Ngọc Linh, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Bạc Liêu thăm, tặng quà cho gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phượng tại xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long. Ảnh: TTXVN phát

* Thực hiện chế độ đầy đủ, kịp thời

Những ngày này, nhiều hoạt động chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng được các cấp, ngành ở Bạc Liêu thực hiện sôi nổi.

Tại huyện Phước Long, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phước Long tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình bà Võ Thị Thật (sinh 1967, ngụ ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông). Bà Thật là đối tượng chính sách gặp khó khăn về nhà ở. Căn nhà được xây dựng kiên cố bằng kinh phí do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vận động Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh Bạc Liêu tài trợ. Nhận được căn nhà mong ước, bà Thật cho biết, gia đình bà rất vui, an tâm lao động sản xuất vươn lên ổn định cuộc sống.

Trong tháng 7 tri ân, cùng với trao tặng nhà tình nghĩa, các cấp, ngành của huyện Phước Long cũng tổ chức thăm hỏi gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lê (91 tuổi, ấp Long Thành, thị trấn Phước Long) phấn khởi khi luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành. Mẹ Lê sinh ra trong gia đình giàu truyền thống, năm 15 tuổi đã tham gia cách mạng và được tổ chức giao các nhiệm vụ quan trọng. Sau khi lập gia đình, mẹ Lê còn vận động chồng và con trai tham gia cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, cả 2 đã anh dũng hy sinh. Hiện, mẹ Lê sống cùng con gái và được huyện Phước Long phân công đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm lo đến cuối đời.

vna_potal_bac_lieu_huy_dong_cac_nguon_luc_cham_lo_cho_gia_dinh_chinh_sach_7490921.jpg
UBND xã Ninh Hòa (Hồng Dân, Bạc Liêu) bàn giao nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách. Ảnh: TTXVN phát

Tương tự, mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Khá (ấp Bình Tốt B, xã Vĩnh Phú Tây) có 7 người con. Khi đất nước chìm trong khói lửa, mẹ lần lượt tiễn chồng và các con trai lên đường chiến đấu. Sau đó, chồng và người con trai thứ 2 nằm lại trên chiến trường. Mẹ Khá bộc bạch: “Không nỗi đau nào bằng nỗi đau mất đi người thân nhưng bù lại mẹ rất ấm lòng bởi chính quyền cũng như các cơ quan, đoàn thể huyện Phước Long thường xuyên hỏi thăm sức khỏe, tặng quà và giúp đỡ con cháu của mẹ”.

Chủ tịch UBND huyện Phước Long Lê Văn Tần chia sẻ, Đảng bộ và nhân dân huyện luôn khắc ghi công ơn, đồng thời thời chăm lo tốt cho các đối tượng chính sách trên địa bàn. Bên cạnh việc chi trả, giải quyết các chế độ của Nhà nước hàng tháng cho các gia đình chính sách, người có công đảm bảo đúng, đủ và kịp thời, địa phương còn tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ vốn xây dựng nhà tình nghĩa, tặng vườn cây, ao cá tình nghĩa, thăm viếng, tặng quà nhân các dịp lễ, Tết. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã vận động hàng chục tỷ đồng, chăm lo, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống và thương binh 1/4, 2/4 trên địa bàn; xây dựng hàng trăm căn nhà tình nghĩa, tặng trên 560 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ gia đình chính sách, người có công bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trên 1,5 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thùy Như, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bạc Liêu là vùng căn cứ cách mạng trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hiện, tỉnh có trên 71.000 người có công và thân nhân được công nhận; trong đó có 12.565 liệt sỹ, 2.281 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (còn sống 43 mẹ), 102 cán bộ lão thành cách mạng, 52 cán bộ tiền khởi nghĩa, 13 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 6.563 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 125 bệnh bênh, 2.589 người tham gia kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, 21.952 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 4.910 người có công với cách mạng...

Tỉnh luôn quan tăm chăm lo chu đáo cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Với gần 8.000 người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng, mỗi năm, Bạc Liêu chi thường xuyên trên 150 tỷ đồng. Những năm qua, địa phương đã huy động nhiều nguồn lực quan tâm hỗ trợ gần 10.000 căn nhà cho người có công với cách mạng và thân nhân; trong đó, xây dựng mới trên 6.500 căn nhà. Riêng trong năm 2024, tỉnh dự kiến hỗ trợ xây dựng và cải tạo nhà ở cho 2.883 đối tượng chính sách; trong đó có 1.419 hộ xây mới, 1.456 hộ cải tạo.

Bên cạnh đó, tỉnh đã giải quyết cho trên 150 lượt người được hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; thực hiện chế độ ưu đãi cho 40 con đẻ người có công đang học tại các cơ sở giáo dục - đào tạo. Hàng năm có trên 3.000 người hưởng chế độ điều dưỡng tại gia đình và có gần 1.000 người đi tham quan, điều dưỡng tập trung tại các Trung tâm điều dưỡng trong cả nước.

* Đưa Trung tâm điều dưỡng người có công vào hoạt động

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chia sẻ, chăm lo các đối tượng chính sách là trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh, thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Để chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách, ông Phạm Văn Thiều cho biết, Bạc Liêu đã đưa vào hoạt động Trung tâm điều dưỡng người có công nhân kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024). Công trình này được xây dựng trên diện tích 3 ha, quy mô 80 giường điều dưỡng, tổng mức đầu tư 89 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm chủ đầu tư. Trung tâm cơ bản đáp ứng được yêu cầu về công tác điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người có công và thân nhân của người có công với cách mạng.

vna_potal_bac_lieu_huy_dong_cac_nguon_luc_cham_lo_cho_gia_dinh_chinh_sach_7490923.jpg
Ông Nguyễn Chí Thiện, Bí thư Huyện ủy Phước Long thăm gia đình chính sách nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7. Ảnh: TTXVN phát

Việc đưa Trung tâm điều dưỡng người có công vào hoạt động là sự cố gắng rất lớn của tỉnh. Địa phương xem đây là công trình có ý nghĩa quan trọng về chính trị - xã hội, thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn sâu sắc người có công với cách mạng; góp phần nâng cao hiệu quả công tác phục vụ, chăm sóc sức khỏe người có công...

Ông Phạm Văn Thiều nêu rõ: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác quản lý, giữ gìn và phát huy tốt giá trị của công trình. UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại đối tượng, lập danh sách đăng ký về Trung tâm để tổng hợp, sắp xếp lên kế hoạch thực hiện nghỉ dưỡng năm 2024 và những năm tiếp theo.

Tỉnh tiếp tục quan tâm triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi cho đối tượng người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả người có công được thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định. Bạc Liêu huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân với phương châm là quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công; huy động mọi nguồn lực xã hội trong phong trào đền ơn đáp nghĩa. Tỉnh đặt mục tiêu, các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng phải có mức sống từ bằng đến hơn mức sống của cộng đồng trong khu vực dân cư trú.

Tuấn Kiệt - Quốc Vũ

Có thể bạn quan tâm