Ngày Quốc tế Yoga
Nguồn gốc của Yoga được bắt đầu với nhiều bí ẩn và thần thoại. Một số nhà sử học đã tìm thấy manh mối của Yoga trong thực hành của các pháp sư Himalaya từ hơn 5000 năm trước, mà hiện nay vẫn còn tồn tại ở vùng Tây Tạng và Nepal.
Đến thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, Yoga đã trở nên nổi tiếng và dần phổ biến khắp thế giới.
Nhiều người đã từng đề xuất ý tưởng kỷ niệm Ngày Quốc tế Yoga, trong đó có lời kêu gọi của Ravi Shankar – một Đạo sư về Yoga, thiền, đồng thời là một nhà hoạt động nhân đạo quốc tế. Tiếp đó, năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, một người rất tâm huyết với việc luyện tập Yoga trong nhiều năm, đã thuyết phục Liên hợp quốc dành một ngày để thế giới trở về với môn luyện tập cổ xưa này. Và ngày 11-12-2014, Đại hội đồng Liên hợp quốc nhóm họp và đưa bản dự thảo đề xuất chọn ngày 21-6 hằng năm là Ngày Quốc tế Yoga.
Nguồn gốc của Yoga được bắt đầu với nhiều bí ẩn và thần thoại. Một số nhà sử học đã tìm thấy manh mối của Yoga trong thực hành của các pháp sư Himalaya từ hơn 5000 năm trước, mà hiện nay vẫn còn tồn tại ở vùng Tây Tạng và Nepal.
Đến thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, Yoga đã trở nên nổi tiếng và dần phổ biến khắp thế giới.
Nhiều người đã từng đề xuất ý tưởng kỷ niệm Ngày Quốc tế Yoga, trong đó có lời kêu gọi của Ravi Shankar – một Đạo sư về Yoga, thiền, đồng thời là một nhà hoạt động nhân đạo quốc tế. Tiếp đó, năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, một người rất tâm huyết với việc luyện tập Yoga trong nhiều năm, đã thuyết phục Liên hợp quốc dành một ngày để thế giới trở về với môn luyện tập cổ xưa này. Và ngày 11-12-2014, Đại hội đồng Liên hợp quốc nhóm họp và đưa bản dự thảo đề xuất chọn ngày 21-6 hằng năm là Ngày Quốc tế Yoga.
Ngày 21-6 là ngày hạ chí. Trong năm, đây là ngày dài nhất ở Bắc Bán cầu và ngắn nhất ở phía Nam, có ý nghĩa đặc biệt ở nhiều nơi trên thế giới. Theo truyền thuyết, cũng vào ngày này, Adiyoga – vị hành giả Yoga đầu tiên đã quay về hướng Nam và đưa mắt nhìn vị Saptarishi (Thất hiền) - vốn là môn sinh đầu tiên của ngài, bắt đầu truyền đạt kiến thức về Yoga cho phần còn lại của nhân loại. Đây cũng được coi là thời điểm thuận lợi cho những người theo đuổi các thực hành tâm linh để nhận được sự hỗ trợ từ tự nhiên và rất phù hợp để thế giới cùng dành sự quan tâm cho bộ môn Yoga.
Dự thảo này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của 177 trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và được thông qua mà không cần bỏ phiếu. Đây là lần đầu tiên, một nghị quyết có tính chất tương tự của Đại Hội đồng được thông qua với số ủng hộ đông đảo như vậy. Sự thừa nhận của Liên hợp quốc là nguồn động lực lớn, giúp quảng bá lợi ích của Yoga trên toàn thế giới như một món quà vô giá cho sức khỏe.
Bộ môn luyện tập lâu đời và tin cậy trên thế giới
Yoga được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng tâm trí và cơ thể con người là một. Nó là hiện thân của sự thống nhất giữa tâm trí và cơ thể, suy nghĩ và hành động, cũng như sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Bộ môn này phù hợp với mọi lứa tuổi, giới tính, thể trạng, tình trạng sức khỏe, đáp ứng được hầu hết các nhu cầu cơ bản về thể hình cũng như sức khỏe với người tập. Càng tập Yoga lâu dài, người tập càng thấy khỏe mạnh hơn.
Yoga không chỉ là một bài tập thể dục, nó bao gồm các bài tập giúp cải thiện thể chất, tinh thần, tình cảm và cả tâm linh của người tập. Tập luyện Yoga đòi hỏi sự kết hợp cao độ của tinh thần và thể xác tại cùng một thời điểm. Dựa trên nguyên tắc kiểm soát hơi thở và giữ cơ thể ở nguyên một tư thế, qua đó làm chủ và điều khiển được sự dẻo dai của cơ thể, nâng cao trí tuệ, sức khỏe và tìm được chân giá trị hạnh phúc. Sự kỳ diệu của Yoga chính là thông qua việc luyện tập của thể xác để khai mở tâm trí, giúp con người từ bỏ lối sống không lành mạnh, những tính xấu và hoàn thiện bản thân. Nó cũng giúp tăng sự linh hoạt, dẻo dai và sức bền cho cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn; cải thiện hoạt động của các hệ cơ quan như hệ thần kinh, tuần hoàn, tiêu hóa… giúp các cơ rắn chắc, cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng trong học tập, công việc và cuộc sống.
Tập Yoga hàng ngày cũng là liệu pháp hiệu quả để phòng và chữa bệnh, cùng rất nhiều lợi ích khác. Chính vì thế, bộ môn này được xem là hình thức luyện tập thể thao lâu đời và đáng tin cậy trên thế giới.
Ngày Quốc tế Yoga lần đầu tiên diễn ra vào ngày 21-6-2015. Hàng triệu người trên khắp thế giới đã tham gia hưởng ứng thông qua các lễ kỷ niệm và các màn đồng diễn. Khoảng 45 nghìn người ở thủ đô New Dehli, trong đó có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và các quan chức từ 84 quốc gia, đã thực hiện 21 tư thế Yoga trong 35 phút và lập kỷ lục thế giới về buổi học Yoga có nhiều người tham gia nhất. Hàng nghìn người tập trung ở Alexandra Palace ở London, Times Square ở New York, Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở Sydney, khu vực ngoài trời ở Đại học Chulalongkorn, Bangkok, để cùng đồng diễn Yoga. Việt Nam có khoảng 2.000 người tham gia hoạt động Yoga nhân ngày này tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ đó mỗi năm, các Ngày Yoga đều nhận được sự tham gia ngày càng tích cực và đông đảo của mọi người trên toàn thế giới. Dần dần, hoạt động Yoga được gắn với những chủ đề cụ thể, nhằm kêu gọi cộng đồng cùng hành động để hướng tới cuộc sống lành mạnh và tích cực hơn. Năm 2018, Ngày Quốc tế Yoga có chủ đề chính “Yoga vì hòa bình” và năm 2019 là “Yoga cho cuộc sống xanh”. Tại Việt Nam, sau 4 năm tổ chức, Ngày Quốc tế Yoga đã trở thành ngày hội dành cho những người yêu thích bộ môn Yoga, cũng như tạo cơ hội cho mọi người tìm hiểu sâu hơn về bộ môn rèn luyện hữu ích này.
Thu Hạnh (tổng hợp)
TTXVN