Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Đồng hành, hỗ trợ phụ nữ tỉnh Ninh Bình phát triển kinh tế

HTX may mặc Cúc Phương giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương, trong đó có nhiều phụ nữ khuyết tật.   Ảnh:hoilienhiepphunutinh.ninhbinh.gov.vn
HTX may mặc Cúc Phương giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương, trong đó có nhiều phụ nữ khuyết tật. Ảnh:hoilienhiepphunutinh.ninhbinh.gov.vn

Với phương châm đồng hành cùng phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh, đa dạng hình thức hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Qua đó, giúp nhiều chị em thoát nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ.

Những tấm gương nghị lực

Sinh ra trong gia đình thuần nông, ở xã miền núi, là người khuyết tật nhưng chị Đinh Thị Yến (dân tộc Mường, thôn Nga 2, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan) vẫn mạnh mẽ vươn lên, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, lan tỏa nghị lực phi thường cho những phụ nữ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.

Theo chị Yến, khi 6 tháng tuổi chị bị bại liệt một chân sau cơn sốt cao và thành người khuyết tật, không thể làm được những việc nặng nhọc. Gia đình chị chỉ trông chờ vào 2-3 sào ruộng, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Chị quyết tâm di học ngành may để thay đổi cuộc sống, nỗ lực vươn lên.

Được sự hỗ trợ từ Hội Phụ nữ xã, Dự án "Thúc đẩy phát triển hòa nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu" của Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam, chị Yến đã có điều kiện mở xưởng may. Thông qua hoạt động của Dự án, chị Yến và nhiều chị em khuyết tật được khảo sát nhu cầu thị trường, tạo ra những mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, đào tạo nâng cao tay nghề, xây dựng gắn mã thương hiệu sản phẩm... Sau 3 năm xây dựng và vận hành, xưởng may của chị Yến đã phát triển, có doanh thu cao và vận động được chị em cùng tham gia mô hình, thành lập Hợp tác xã Cúc Phương, tạo việc làm cho trên 10 phụ nữ khuyết tật và phụ nữ nghèo trên địa bàn.

Chị Yến chia sẻ, với tâm niệm lấy chữ tín làm trọng, trên cương vị Giám đốc Hợp tác xã, chị điều hành, chỉ đạo công việc, cùng với các thành viên dồn tâm sức, đảm bảo hàng may chất lượng cao và giao hàng đúng thời hạn. Hợp tác xã may mặc Cúc Phương từng bước tạo được niềm tin với khách hàng, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt trên 300 triệu đồng/năm.

Chị Yến còn là hội viên tích cực tham gia các hoạt động của Hội Phụ nữ xã Cúc Phương, tuyên truyền, vận động chị em thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Hội và địa phương phát động; nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện, quyên góp, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật.

Còn chị Phạm Thị Hòa (hội viên phụ nữ thôn Hà Thanh, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô) là một trong những gương điển hình về phát triển kinh tế với mô hình nuôi chim Yến. Năm 2016, từ nguồn vốn tích góp và vay mượn, chị mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nuôi chim yến với diện tích 100m2 tại tầng 2 của gia đình, chi phí gần 500 triệu đồng. Khi mới triển khai mô hình, chị Hòa gặp không ít khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm, lại gặp những điều kiện bất lợi từ khí hậu ở miền Bắc (mùa đông rét đậm, rét hại kéo dài, mùa hè nắng nóng gay gắt), ảnh hưởng tới số lượng và chất lượng của đàn yến. Trong 2 năm đầu, số lượng chim yến về làm tổ ít và bị chết nhiều. Không ngừng tìm tòi, nghiên cứu trên sách, báo, ti vi, chị Hòa tích cực học hỏi thêm kỹ thuật và dần khắc phục những bất cập trong nuôi chim yến.

Năm 2021, được sự hỗ trợ vay vốn từ nguồn Quỹ quay vòng hỗ trợ phụ nữ tỉnh với số tiền trên 100 triệu đồng, chị Hòa đầu tư thêm các trang thiết bị như: hệ thống máy điều hòa không khí, máy sưởi, máy phun sương, giữ độ ẩm cho nhà nuôi yến. Từ đó, số lượng đàn yến về làm tổ đông hơn, chim yến không bị chết và bắt đầu có sản phẩm. Đến nay, mô hình nuôi chim yến của gia đình chị Phạm Thị Hòa đã có hơn 6.000 con, mỗi tháng thu được 2kg yến thô, 1,2 - 1,5kg yến tinh, tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương. Mỗi năm, cơ sở đạt doanh thu 500 triệu đồng; trừ chi phí, gia đình thu về trên 200 triệu đồng/năm.

Không dừng lại ở đó, hiện chị Hòa đã nhân rộng thêm 2 nhà nuôi chim yến với diện tích 200m2 tại tỉnh Thanh Hóa. Sản phẩm yến sào Huân Hòa đã được thị trường đón nhận và đánh giá cao về chất lượng, cuối năm 2021, sản phẩm yến sào Huân Hòa của gia đình chị được vinh danh "Thương hiệu vàng doanh nghiệp Việt Nam".

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Đồng hành, hỗ trợ phụ nữ tỉnh Ninh Bình phát triển kinh tế ảnh 1HTX may mặc Cúc Phương giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương, trong đó có nhiều phụ nữ khuyết tật. Ảnh:hoilienhiepphunutinh.ninhbinh.gov.vn

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, góp phần xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Các cấp Hội triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nguồn lực, mở rộng tính liên kết các chương trình, đề án hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh...

Hội đã hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn như các nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ quay vòng hỗ trợ phụ nữ tỉnh và Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh, tạo điều kiện để phụ nữ được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Hằng năm, nguồn vốn các ngân hàng ủy thác qua tổ chức Hội đều tăng. Đến nay, tổng số dư nợ đạt 3.664 tỷ đồng, cho trên 50.000 người vay. Các cơ sở Hội phối hợp tổ chức 250 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 18.000 người về kỹ thuật chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, sử dụng phân bón, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; vận động phụ nữ cho nhau vay không lấy lãi 220 triệu đồng, hỗ trợ 370 công lao động, 320 con giống cho gia đình phụ nữ nghèo, khó khăn.

Thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025", Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tập huấn về kỹ năng kinh doanh các đặc sản địa phương, ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh cho 320 nữ chủ doanh nghiệp, tổ hợp, hợp tác xã của huyện Kim Sơn, Yên Mô. Hội tổ chức 4 hội nghị tập huấn phương pháp, kỹ năng, áp dụng công nghệ thông tin về ứng dụng số hóa cho phụ nữ tại 70 xã thuộc 6 huyện. Các cấp Hội phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh tư vấn, hỗ trợ thành lập 1 tổ hợp tác, hỗ trợ đăng ký kinh doanh và quy trình công nhận 3 sản phẩm OCOP; giới thiệu việc làm cho 1.150 phụ nữ; tiếp tục duy trì các nghề phụ và nghề truyền thống góp phần tăng thu nhập cho phụ nữ.

Bà Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình cho biết, với nhiều cách làm, đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đã và đang khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ trong toàn tỉnh, tạo điều kiện và cơ hội giúp hội viên, phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, hợp tác xã, vai trò, vị trí của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp Hội nhân rộng những mô hình hiệu quả, cách làm hay trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp, phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp; nâng cao năng lực tổ chức của đội ngũ cán bộ Hội.

Cùng với đó, các cấp Hội tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo; đưa nội dung giáo dục tài chính toàn diện; kỹ năng hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã vào các tài liệu tập huấn của các cấp Hội. Hội tăng cường khai thác và quản lý có hiệu quả các nguồn vốn vay, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ quay vòng hỗ trợ phụ nữ, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý vốn vay theo quy định. Đồng thời, Hội đẩy mạnh hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ; vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng mô hình khởi nghiệp, tham gia liên kết sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã.

Hải Yến 

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm