Ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp sẽ giúp phụ nữ Việt Nam đỡ vất vả hơn mà hiệu quả canh tác cũng được nâng lên - Đó là ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Việt Dũng (giảng viên cao cấp Khoa Di truyền và Chọn giống cây trồng, Trường Đại học Cần Thơ) tại Hội thảo “Nâng bước phụ nữ nông thôn Việt”. Hoạt động do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Syngenta Việt Nam tổ chức chiều 17/10, tại thành phố Cần Thơ nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10).
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Việt Dũng khuyến khích phụ nữ nên chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, quản lý kinh tế nông hộ, quản lý gia đình.
Theo số liệu năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lao động nữ trong nông nghiệp chiếm 47,4%, riêng trong hợp tác xã chiếm đến 80%. Những con số này cho thấy phụ nữ đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Cần Thơ, vai trò, vị thế của nữ nông dân vẫn chưa được ghi nhận xứng tầm. Lao động nữ khu vực nông thôn đang chịu nhiều hạn chế hơn nam giới về cơ hội học tập, tiếp cận thông tin, ít được ghi nhận thành quả trong công việc. Trong khi đó, ngày nay, phụ nữ không chỉ tham gia vào các hoạt động canh tác truyền thống mà còn đảm nhận nhiều khâu quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Là lực lượng lao động chính trên đồng ruộng, song lao động nữ nông thôn ít có cơ hội tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật trong canh tác, dẫn đến việc họ dễ gặp rủi ro hơn trong quá trình sản xuất, trong việc gia tăng năng suất và chất lượng nông sản. Điều này tạo ra nhiều bất lợi và thử thách cho nông dân nữ, đặc biệt trong bối cảnh ngành Nông nghiệp hiện đại đòi hỏi phải áp dụng nhiều kiến thức, công nghệ canh tác mới vào hoạt động sản xuất.
Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế cũng chỉ ra rằng, đại đa số nữ nông dân dành trung bình 20,2 giờ/tuần để làm việc nhà, chăm sóc con cái, gia đình, thời lượng này cao gấp đôi so với nam giới (10,7 giờ/tuần). Áp lực từ vai trò “kép” này khiến phụ nữ khu vực nông thôn có ít thời gian nghỉ ngơi hay giao lưu để nâng cao đời sống tinh thần, ít cơ hội tiếp cận với kiến thức mới về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và nuôi dạy con cái.
Vì thế, ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Syngenta Việt Nam cho biết, với sự tham gia của hơn 150 nông dân nữ sản xuất giỏi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, Hội thảo hướng đến mục tiêu khuyến khích nữ nông dân ứng dụng công nghệ mới vào canh tác, cải thiện khả năng hòa nhập của phụ nữ trước sự biến đổi mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội.
Tại Hội thảo, các chuyên gia nông nghiệp đã chia sẻ những kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại, cập nhật các xu hướng canh tác mới, giúp nữ nông dân nâng cao hiểu biết để ứng dụng vào việc tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nông sản. Việc trang bị cho nữ nông dân đầy đủ kiến thức giúp họ chủ động hơn trong việc đưa ra những quyết định quan trọng trong quá trình làm kinh tế nông nghiệp.
Bên cạnh trọng trách xây dựng sinh kế bền vững, phụ nữ nông thôn cũng cần phải đảm bảo duy trì ổn định sức khỏe thể chất của bản thân và gia đình. Bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam chia sẻ những thông tin cần biết về cân bằng dinh dưỡng, cách lựa chọn thực phẩm, khẩu phần thích hợp; hỗ trợ xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh của phụ nữ nói riêng và cộng đồng nông thôn nói chung.
Sáng cùng ngày, tại quận Ô Môn, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) phối hợp Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ tổ chức Ngày hội “Giao lưu kết nối, giới thiệu mô hình sinh kế hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ bị mua bán trở về". Ngày hội là chuỗi sự kiện nhằm kết nối, giao lưu, quảng bá các sản phẩm khởi nghiệp của hội viên phụ nữ đến với người dân trong, ngoài thành phố, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển tại vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; đồng thời tăng cường tính hợp tác và liên kết giữa các quận, huyện trong thành phố, giữa các vùng miền.
Thu Hiền