Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11): Lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật

Sáng 8/11/2023, tại Hà Nội, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Hội thi Hoà giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV - Vòng thi toàn quốc. Trong ảnh: Phần thi của đội Hoà giải viên tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Sáng 8/11/2023, tại Hà Nội, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Hội thi Hoà giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV - Vòng thi toàn quốc. Trong ảnh: Phần thi của đội Hoà giải viên tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật xác định việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, qua đó hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11): Lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật ảnh 1Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Trong công cuộc Đổi mới đất nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường vai trò, hiệu lực của Hiến pháp, pháp luật là một tất yếu khách quan, một đòi hỏi bức thiết. “Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật” là yếu tố cốt lõi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và là yếu tố căn bản để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương nhấn mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ thành công khi các quy định của Hiến pháp và pháp luật được nghiêm chỉnh chấp hành, từng bước trở thành nhu cầu tự thân của mỗi ngư­ời. Do đó, ý thức pháp luật có thể được coi là tiền đề tư tưởng cho sự củng cố và phát triển nền pháp chế, là cơ sở để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Theo quy định tại Điều 8, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012, ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm khẳng định vị trí thượng tôn của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội.

Từ năm 2013 đến nay, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam đã được thực hiện định kỳ hàng năm với các chủ đề phù hợp, có nhiều điểm nhấn; xây dựng ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, khơi dậy niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với pháp luật. Việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam ngày càng đi vào cuộc sống và trở thành một hoạt động chính trị, pháp lý thường niên, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, lan tỏa rộng rãi tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Là cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Bộ Tư pháp đã tổ chức triển khai toàn diện Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023, trong đó, có 2 sự kiện điểm nhấn là Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV và Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” lần thứ II.

Trong đó, Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; biểu dương, vinh danh và tạo diễn đàn giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên.

Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11): Lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật ảnh 2Sáng 8/11/2023, tại Hà Nội, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Hội thi Hoà giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV - Vòng thi toàn quốc. Trong ảnh: Phần thi của đội Hoà giải viên tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có hơn 86.000 tổ hòa giải với trên 540.000 hòa giải viên. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hòa giải hơn 100.000 vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỷ lệ hòa giải thành trên 80%.

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, công tác hòa giải ngày càng được phát huy và trở thành phương thức giải quyết tranh chấp chiếm ưu thế trong hệ thống các phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội ngoài Tòa án. Trong quá trình hòa giải, với uy tín, lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, các hòa giải viên luôn là cầu nối kết nối tình đoàn kết, yêu thương, hướng dẫn các bên giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn một cách “thấu tình đạt lý”.

Cùng với Hội thi, Chương trình tôn vinh “Gương sáng pháp luật” nhằm biểu dương, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật, qua đó lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp, những tấm gương anh dũng, đức hy sinh của công dân và cán bộ, công chức trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023 nói chung, tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV và Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” lần thứ II nói riêng đã tạo ra sức hút, truyền cảm hứng và lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Qua đó tạo nên một đợt sinh hoạt pháp luật rộng khắp, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, từ đó nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và tuân theo pháp luật của mọi người trong xã hội.

Để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, cần phát huy vai trò của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trong chỉ đạo, hướng dẫn; tiếp tục nâng cao nhận thức của mỗi người dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp, pháp luật. Việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cần bám sát và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm đạt được mục tiêu “đến năm 2030 thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội”.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác này với định hướng Nhà nước tạo lập cơ chế, chính sách, công cụ để người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu pháp luật; chú trọng tổ chức truyền thông “từ sớm, từ xa” chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tạo tiền đề thuận lợi cho việc tổ chức thi hành pháp luật sau khi văn bản được ban hành. Việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam theo hướng gắn kết giữa phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng, thi hành pháp luật, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; hướng về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cũng đề cập đến giải pháp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác này từ Trung ương đến cơ sở, nhất là đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức. Việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam không chỉ dừng lại ở sự tôn vinh, được thực hiện trong tuần lễ cao điểm, mà quan trọng hơn, đây là việc làm thường xuyên, hằng ngày để mỗi ngày trong năm đều là ngày thực hiện pháp luật.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm