Thầy giáo Bành Hữu Tình (sinh năm 1983), giáo viên Trường Tiểu học Suối Cát (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) là giáo viên duy nhất của Khánh Hòa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023”.
Năm 2005, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thầy đến với huyện miền núi Khánh Vĩnh để bắt đầu sự nghiệp ở Trường Tiểu học Khánh Đông. Những năm 2005, vận động học sinh ra trường, đến lớp và không nghỉ học giữa chừng là việc làm thường xuyên của giáo viên vùng cao. Vì vậy, sau những giờ đứng lớp, thầy đã không ngừng động viên các em học sinh đến trường đầy đủ. “Hồi đó, có tiền lương, vừa dành dụm để chăm bố ốm ở quê, trang trải cuộc sống, còn lại chút ít tôi thường hay mua chút quà nhỏ, để động viên các em học sinh học tập, tham gia hoạt động Đội Thiếu niên Tiền phong. Nhờ đó, không khí học tập trong lớp rất tốt, các em học sinh đều ngoan hiền. Nhiều bạn giờ giờ đã trưởng thành và có công việc ổn định”, thầy Tình tâm sự.
Sau 3 năm công tác ở miền núi, thầy về công tác tại Trường Tiểu học Suối Cát, huyện Cam Lâm để tiện cho việc chăm sóc gia đình. 10 năm dưới mái trường này, thầy càng thêm yêu nghề, yêu trẻ. Thầy quyết định viết đơn tình nguyện ra Trường Sa giảng dạy. Năm 2018, thầy Tình khăn gói lên đường và bắt đầu hành trình gieo chữ ở Trường Sa.
“Trước lúc đi Trường Sa, lớp tôi dạy có nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số. Tôi rất thương và cảm phục ý chí học tập của các em ấy. Đêm về, tôi thường nghĩ về nghề giáo nơi khó khăn hơn nữa như nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Bức tâm thư dài 5 trang giấy A4 là khát vọng cống hiến, giãi bày thổn thức cả tâm can. Tôi muốn nói thật nhiều về Trường Sa, về ngọn lửa nhiệt huyết và những đam mê, về những đứa trẻ. Tôi muốn thử thách tuổi trẻ của mình và mong nghề nghiệp sẽ góp chút sức cùng với nhân dân cả nước bảo vệ phên giậu của Tổ quốc”, thầy Tình chia sẻ.
Ở môi trường mới giữa trùng dương rộng lớn, tình yêu thương của phụ huynh, sự chăm ngoan của học sinh đã giúp thầy Tình có thêm nhiều động lực cống hiến. Không chỉ dạy khối tiểu học mà thầy còn kiêm luôn cả giáo viên mầm non. Trong một lớp học trên Thị trấn Trường Sa, vừa dạy cho các cháu lớp 1 viết chữ thì thầy cũng dạy luôn cho các cháu lớp 5 làm toán. Thời gian đó, cứ vậy thắm thoát trôi đi, tình yêu với nghề trong thầy luôn được củng cố và mong muốn được cống hiến lâu dài cho bục giảng ở Trường Sa.
Dịp 20/11 ở đảo xa, thầy Tình được tận hưởng ngày ngày lễ đầy yêu thương, ấm áp. Sau lễ mít tinh diễn ra nhanh gọn, phụ huynh mang tới tặng thầy quả bầu, quả bí, những cây quả đã khó nhọc năm nắng mười sương vươn mầm, ra hoa kết trái ở Trường Sa. Kỷ niệm khó quên nhất là vào tiết học ngoại khóa, thầy giáo hướng dẫn học sinh làm hoa bằng vỏ ốc, vỏ sò nhặt từ bờ biển. Học sinh làm theo lời dạy và làm sáng tạo hơn nữa, các em xếp các con sò thành hình trái tim và để một con lớn nhất vào trung tâm trái tim tặng thầy với lời nhắn "thầy luôn trong trái tim của chúng em"...
Đến năm 2023, thầy Tình chuyển công tác về giảng dạy tại quê nhà, Trường Tiểu học Suối Cát. Sau những năm tháng giảng dạy ở Trường Sa, thầy phải làm quen lại từ đầu cách giảng dạy tại đất liền bằng cách học tập đồng nghiệp, cập nhật kiến thức từ internet để có kiến thức chuyên sâu về Tin học, Địa lý, Lịch sử và đảm nhận vai trò Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong. “Tôi đã làm công tác Đội từ khi là giáo viên ở huyện miền núi Khánh Vĩnh cho đến Trường Sa. Do đó, với kinh nghiệm của mình, các hoạt động Đội trong trường được tôi tổ chức, phát động thu hút được đông đảo học sinh hưởng ứng, tham gia như sinh sáng tác truyện tranh, phát thanh mầm non, báo tường…", thầy Tình vui vẻ nói.
Hơn 18 năm tâm huyết với nghề giáo, thầy Tình cho rằng chưa bao giờ là đủ mà vẫn cần phấn đầu, rèn luyện bản thân để mỗi bài học đều mang lại kiến thức cho các em, để tâm nguyện ban đầu vì trẻ vui vẻ đến trường không bao giờ bị phai nhòa; đặc biệt, là quan tâm, yêu thương học sinh khó khăn, học sinh người dân tộc thiểu số.
Cô Nguyễn Thị Liên Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Suối Cát cho biết, thầy Bành Hữu Tình là giáo viên năng động, nhiệt tình trong mọi hoạt động. Những năm qua, thầy đã nhận được nhiều bằng khen của các đơn vị cấp tỉnh vì những cống hiến không ngừng nghỉ với sự nghiệp giáo dục.
Từ năm 2015 đến nay, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã tuyên dương trên 450 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu trên mọi miền Tổ quốc. Đó là các thầy cô giáo đang ngày đêm “bám bản” dạy học tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thầy cô đang giảng dạy ở huyện đảo, xã đảo xa xôi; cán bộ, chiến sĩ bộ đội quân hàm xanh; thầy cô giáo dạy học sinh khuyết tật; thầy cô là người dân tộc thiểu số đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Phan Sáu