Là một trong 5 dân tộc ít người nhất trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, người Rơ Măm cư trú chủ yếu tại tỉnh Kon Tum. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của đồng bào, diện mạo bản làng Rơ Măm nay khác xưa nhiều. Người Rơ Măm đã ổn canh, ổn cư, tập trung phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo…
“Thay áo mới” nhờ chính sách phù hợp
Đến làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum), nơi sinh sống tập trung của 177 hộ với 617 nhân khẩu là người Rơ Măm, chúng tôi thực sự bất ngờ trước những đổi thay nơi đây. Nếu như trước kia, người Rơ Măm chỉ sống quần tụ, ít giao lưu với bên ngoài, sản xuất nông nghiệp lạc hậu… thì đến nay, nhờ sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, người Rơ Măm đã biết tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Để giúp người Rơ Măm từng bước thoát nghèo, giai đoạn 2017 - 2020, Kon Tum đã triển khai Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số rất ít người Rơ Măm với tổng kinh phí 88 tỷ đồng. Không chỉ làm thay đổi diện mạo làng Le với hệ thống giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế… được đầu tư cơ bản, người Rơ Măm còn được hỗ trợ cây, con giống, vốn vay, tập huấn kỹ thuật…
Làng Le nay đã có gần 110 ha điều, 60 ha lúa nước và lúa rẫy, 5 ha cây ăn quả, trên 90 ha cao su; tổng đàn gia súc, gia cầm khoảng 1.200 con. Không ít gia đình người Rơ Măm vươn lên làm kinh tế giỏi, thu nhập mỗi năm cả trăm triệu đồng. Điển hình là gia đình anh A Nhất, mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, đã có 4 ha cao su, 2 ha điều, gần 1 ha mỳ. Để nâng cao thu nhập, gia đình anh A Nhất còn trồng thêm lúa nước, nuôi gà, vịt, trâu, bò, hiện có thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm.
Cuộc sống ổn định, người Rơ Măm quan tâm hơn tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Bên cạnh việc phục dựng các lễ hội truyền thống như Mừng lúa mới, Mừng nhà Rông mới, Mở kho lúa…; bảo tồn nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, múa xoang…; nhiều già làng, nghệ nhân như ông A Blong, bà Y Điết… còn duy trì và phát huy nghệ thuật trình diễn cồng chiêng; truyền dạy nghề đan lát nông cụ, dệt thổ cẩm, may trang phục truyền thống… Theo bà Rơ Chăm Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sa Thầy: “Huyện luôn quan tâm thực hiện các dự án, chính sách cho người Rơ Măm, giúp bà con nâng cao đời sống, xây dựng thôn, làng phát triển ngày càng giàu mạnh”.
Người Rơ Măm ơn Đảng, ơn Bác Hồ
Giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, trong mỗi gia đình người Rơ Măm đều treo ảnh Bác Hồ. Đó là cách họ thể hiện lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ đã soi đường, chỉ lối cho bà con phát triển kinh tế, giao lưu, hòa nhập và tiến kịp cuộc sống của đồng bào các dân tộc khác trên địa bàn.
Tham gia một buổi thực tế với anh A Thái, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn làng Le, chúng tôi thấy rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động. Với mong muốn đời sống người dân ngày càng cải thiện, các cấp chính quyền nơi đây đã không ngại khó, ngại khổ, thường xuyên đến từng nhà dân hướng dẫn cách sử dụng hiệu quả nguồn lực gia đình, vốn vay để phát triển kinh tế, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… Nhờ vậy, người Rơ Măm đã biết trồng các loại cây giá trị kinh tế cao như: cao su, điều…; chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa. Anh A Thái vui vẻ nói: “Kinh tế khấm khá, nhiều hộ đã xây được nhà khang trang, mua tivi, xe máy và các vật dụng đắt tiền. Người Rơ Măm rất mừng, cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm!”.
Theo ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum: “Người Rơ Măm sẽ tiếp tục được chăm lo, đảm bảo có mức sống ngang bằng với các dân tộc khác. Từ đó, họ sẽ chủ động, mạnh dạn tiếp cận khoa học - kỹ thuật, giao lưu văn hóa, tự ý thức vươn lên để thoát nghèo”.
Một thông tin vui đến với người Rơ Măm ở làng Le là tháng 11/2022 vừa qua, tỉnh đã ban hành Đề án Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội dân tộc có khó khăn đặc thù (dân tộc Rơ Măm) đến năm 2025. Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy giảm nghèo bền vững, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác. Đến năm 2024, làng Le đạt chuẩn thôn nông thôn mới; thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 20% so với đầu năm 2020.
Hoàng Tâm – Khoa Chương