Ngày hội non sông trên quê hương Thủ đô kháng chiến

Ngày hội non sông trên quê hương Thủ đô kháng chiến

Đình Tân Trào – nơi cách đây 71 năm, ngày 16-17/8/1945, diễn ra Đại hội Đại biểu Quốc dân (nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào), là khu vực bỏ phiếu số 1 (thuộc đơn vị bầu cử số 1 xã Tân Trào). Từ sáng sớm, hàng trăm cử tri đến đây để chờ đến 7 giờ khai mạc, sau đó lần lượt thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. 

Cử tri xã Tân Trào, huyện Sơn Dương xếp hàng đi bỏ phiếu. Ảnh Quang Đán- TTXVN
Cử tri xã Tân Trào, huyện Sơn Dương xếp hàng đi bỏ phiếu.
Ảnh Quang Đán- TTXVN


Ông Hoàng Ngọc, dân tộc Tày, 79 tuổi đời, 53 năm tuổi Đảng, cử tri thôn Tân Lập, xã Tân Trào cho biết: Mặc dù đã nhiều lần bỏ phiếu bầu các đại biểu của nhân dân, nhưng sáng hôm nay khi cầm lá phiếu trên tay tôi có cảm xúc rất khó tả. Tôi cũng hy vọng các đại biểu khi được cử tri tin tưởng bầu chọn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đặc biệt, ngày càng gần dân, quan tâm hơn nữa đến đời sống của nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm để xây dựng quê hương giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

Được biết, khu vực bỏ phiếu số 1 tại đình Tân Trào có 547 cử tri, trong đó có một cử tri là bà Lưu Thị Kiều, 92 tuổi, nguyên lão thành cách mạng do tuổi cao sức yếu không thể đến khu vực bỏ phiếu, do vậy, các thành viên thuộc đơn vị bầu cử số 1 xã Tân Trào đã phải mang hòm phiếu phụ đến tận nhà để bà Kiều thực hiện quyền và nghĩa vụ cử tri, lựa chọn bầu Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Bà Kiều là đảng viên nhiều tuổi Đảng nhất chi bộ thôn Tân Lập, xã Tân Trào (65 năm tuổi Đảng). Sau khi bỏ phiếu xong, bà Kiều chia sẻ: Khi diễn ra Quốc dân Đại hội Tân Trào, đình Tân Trào được vây kín bằng vải, tôi không biết trong đình đang diễn ra cuộc họp gì, tôi chỉ biết mình được cử phục vụ, bảo vệ đại hội, bởi lúc đó tôi là nữ du kích địa phương. Bà Kiều mong muốn các đại biểu khi trúng cử sẽ đem hết tâm sức, trí tuệ, đáp ứng niềm tin của cử tri, giúp quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh… 

Cũng theo bà Kiều, Tân Trào là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, tháng 5 năm 1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Nơi đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 như: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1; Quốc dân đại hội họp tại đình Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch, quy định Quốc kỳ, Quốc ca; dưới gốc đa Tân Trào lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, chỉ huy đơn vị giải phóng tiến về Hà Nội, cùng nhân dân cả nước thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa… 

Xã Tân Trào có 3.387 cử tri, 9 khu vực bỏ phiếu và 6 đơn vị bầu cử, theo rà soát của Ủy ban bầu cử xã Tân Trào, toàn xã có 13 cử tri tàn tật, tuổi cao sức yếu không thể đi đến các khu vực bỏ phiếu, do vậy, các đơn vị bầu cử đã phải dùng hòm phiếu phụ đem đến từng nhà để cử tri thực hiện quyền nghĩa vụ của mình. 

Ông Trần Đức Hạnh, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã Tân Trào cho biết: Tính đến 11 giờ ngày 22/5, tỷ lệ cử tri toàn xã đi bỏ phiếu đạt gần 90%. Để chuẩn bị tốt cho ngày bầu cử, Ủy ban bầu cử xã Tân Trào đã tổ chức cho cử tri học tập các văn bản, hướng dẫn của các cấp về công tác bầu cử; công tác tuyên truyền về bầu cử cũng được đẩy mạnh. Ngoài ra, để cử tri, hiểu rõ hơn về người ứng cử, cùng với việc lập danh sách, tiểu sử của các ứng cử viên, Ủy ban bầu cử xã Tân Trào đã tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri giữa các ứng cử viên với cử tri tại các đơn vị bầu cử. Qua đó, giúp cử tri giao lưu gặp gỡ với người ứng cử, hiểu về chương trình hành động của các ứng cử viên sau khi trúng cử… 

Các cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Ảnh Quang Đán- TTXVN
Các cử tri  thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
Ảnh Quang Đán- TTXVN


Cũng theo ông Hạnh, phát huy truyền thống quê hương cách mạng Tân Trào lịch sử, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tân Trào đã tập trung phát huy “nội ngoại lực” xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Tân Trào đã đạt 19/19 tiêu chí và là xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới (tháng 12 năm 2014). Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 2,27%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 18 triệu đồng/người/năm… 

Thời gian tới, để duy trì và phát huy những kết quả đạt được để xứng đất với vùng đất giàu truyền thống cách, quê hương cách mạng Tân Trào lịch sử, xã Tân Trào sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện tốt quy ước, hương ước thôn bản. Đồng thời, tập trung tuyên truyền vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đa dạng hóa các ngành nghề sản xuất - kinh doanh - dịch vụ. Xã tiếp tục huy động sự đóng góp, đầu tư từ các doanh nghiệp và người dân để xây dựng hạ tầng du lịch, khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch để tạo việc làm, thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững... Tân Trào phấn đấu đến năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%; 100% hệ thống đường giao thông nông thôn, 50% đường giao thông nội đồng được bê tông hoá; hàng năm có trên 90% hộ gia đình đạt hộ gia đình văn hoá; trên 70% chi bộ được đánh giá phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; giữ vững đạt chuẩn nông thôn mới qua các năm làm cơ sở đề nghị công nhận đạt chuẩn 5 năm về nông thôn mới…./. 




Có thể bạn quan tâm