Tiếc của, xót ruột di cảo cha ông, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và nhóm cộng sự đã nghiên cứu, phục dựng trình thức Hát Cửa đình (hát thờ) trong dự án bảo tồn ca trù ở Hà Nội theo phương pháp tiếp cận mới; thực hành nhuần nhuyễn hát, điểm chầu theo đúng lề lối cổ truyền.
Tìm về chuẩn mực ca trù
Từ trước tới nay, đào, kép ở giáo phường ca trù thường chỉ học bài bản qua truyền nghề, truyền khẩu. Qua nhiều năm bị “bỏ rơi” việc truyền dạy ca trù cũng có hạn chế nhất định. Nhiều ca nương, kép đàn “bị” các cụ nghệ nhân lão thành nhận xét rằng “đàn, hát không phách”, không đúng bài bản cổ truyền. Dự án bảo tồn ca trù ở Hà Nội theo phương pháp tiếp cận mới mà nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cùng các cộng sự tiến hành đã tiến hành đúc kết âm luật ca trù thành lý thuyết, từ đó thực hành bài bản theo đúng chuẩn mực ca trù cổ điển. Trong dự án này, người “lao tâm khổ tứ” nhiều nhất là nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền.
Bùi Trọng Hiền được coi là một nhà nghiên cứu âm nhạc “đanh đá và điên khùng” bởi sự tỉ mỉ, cẩn trọng, dám nghĩ, dám làm để bảo vệ những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông. Với ca trù, Bùi Trọng Hiền có duyên nợ đặc biệt và điều đó đã khiến anh miệt mài nghiên cứu, làm sống lại trình thức Hát Cửa đình của ca trù.
Năm 2014, với tư cách cá nhân, Bùi Trọng Hiền đã nghiên cứu âm luật nhạc ả đào cùng cụ nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ - kép đàn nhà nghề cuối cùng của thế kỷ XX. Cụ Nguyễn Phú Đẹ cũng là nghệ nhân duy nhất còn lại đã tham gia trình diễn ca trù ở cả không gian cửa đình và ca quán. Sau thời gian miệt mài nghiên cứu, kết nối truyền dạy cùng nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ thì trình thức Hát Cửa đình của ca trù đã chính thức sống dậy sau 60 năm vắng bóng. Sau đó, Bùi Trọng Hiền tiếp tục làm việc ngày đêm, sưu tầm đủ các chủng loại tư liệu, phục chế nhiều tư liệu vô cùng quý hiếm được phục chế từ những cuốn băng cassette cũ nát... Anh bảo phải làm thật nhanh trong lúc cụ Nguyễn Phú Đẹ - cây đại thụ cuối cùng của ả đào còn đủ minh mẫn, sức khỏe.
Năm 2014, với tư cách cá nhân, Bùi Trọng Hiền đã nghiên cứu âm luật nhạc ả đào cùng cụ nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ - kép đàn nhà nghề cuối cùng của thế kỷ XX. Cụ Nguyễn Phú Đẹ cũng là nghệ nhân duy nhất còn lại đã tham gia trình diễn ca trù ở cả không gian cửa đình và ca quán. Sau thời gian miệt mài nghiên cứu, kết nối truyền dạy cùng nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ thì trình thức Hát Cửa đình của ca trù đã chính thức sống dậy sau 60 năm vắng bóng. Sau đó, Bùi Trọng Hiền tiếp tục làm việc ngày đêm, sưu tầm đủ các chủng loại tư liệu, phục chế nhiều tư liệu vô cùng quý hiếm được phục chế từ những cuốn băng cassette cũ nát... Anh bảo phải làm thật nhanh trong lúc cụ Nguyễn Phú Đẹ - cây đại thụ cuối cùng của ả đào còn đủ minh mẫn, sức khỏe.
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và các trò chuẩn bị canh hát. Ảnh: nhandan.com.vn |
Trong số tư liệu anh sưu tầm được có cả băng thu thanh của ả đào nổi tiếng ở Khâm Thiên những năm 1920-1930 với các đào nương Nguyễn Thị Cúc, Đinh Thị Bản, Đinh Thị Nghĩa và kép đàn Đinh Khắc Ban. Đây là những bậc tài danh của dòng họ ả đào nổi tiếng ở giáo phường thuộc Vĩnh Phúc xưa kia. Bùi Trọng Hiền cũng tiếp cận Hát Cửa đình mà người Pháp thu những năm 1927-1931… Có thể nói rằng Bùi Trọng Hiền đã tổng kết tư liệu về ca trù của cả 1 thế kỷ để đúc kết thành lý thuyết cơ bản để từ đó hiểu rõ về loại nhạc này.
Sau 2 năm miệt mài ròng rã với ca trù với tư cách cá nhân, cuối năm 2016, Bùi Trọng Hiền được Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam chính thức giao thực hiện đề án với mục tiêu tập huấn nhạc ả đào cổ điển theo phương pháp tiếp cận mới. Đầu năm 2017, anh đã lấy nhóm ca trù Phú Thị làm đối tượng thực hành hệ thống lý thuyết mới nghiên cứu, nhóm học nhạc kèm với âm luật. Bên cạnh tư liệu phục chế, Bùi Trọng Hiền và nhóm Phú Thị căn cứ vào vốn bài bản học từ cụ nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, cho ra mắt album “Hát Cửa đình” bao gồm một số bài bản đại diện có tính hệ thống cổ điển. Trong đó, có những thể cách lần đầu tiên sống dậy sau hàng chục năm ngủ yên trong những cuốn băng cũ nát như: Giáo nhạc (hát giai, giáo hương), phú Kiều; hát lót, hãm cửa đình…
Bên cạnh lớp đào kép, dự án cũng chính thức đào tạo một lớp quan viên đúng chuẩn mực cổ điển. Lớp quan viên này cũng học đánh trống chầu theo cách tiếp cận mới, họ nắm bắt được các sơ đồ khuôn thước cổ điển để có thể điểm chầu một cách mẫu mực nhất…
Phát hiện mới trong khoa học xã hội
Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tin tưởng rằng việc làm của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và các cộng sự thực sự là sự kiện, phát hiện mới trong nghiên cứu khoa học xã hội. Theo ông, khoa học xã hội rất khó tìm ra phát hiện mới mà thường đi vào lối mòn, “vết xe” đã cũ. Bùi Trọng Hiền đã kiên nhẫn nghiên cứu, tìm tòi, đưa ra được quy luật âm nhạc ca trù, bước đầu góp phần mô hình hóa để việc truyền dạy nhanh hơn, đúng hơn. Thông qua đó, việc giữ gìn di sản ca trù sẽ không chỉ dừng lại trên từng bài hát như trước mà căn cứ trên quy luật khoa học. Giáo sư Tô Ngọc Thanh cho rằng cần phải nhanh chóng xuất bản một cuốn sách về công trình nghiên cứu, thực hành của Bùi Trọng Hiền và cộng sự, kèm theo đó là đĩa nhạc để dễ cảm thụ…
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan là nhiều người tâm huyết với ca trù. Ông rất thán phục khi nghe các nghệ nhân nhóm ca trù Phú Thị trình diễn ca trù theo phương pháp tiếp cận mới. Ông cho rằng các ca nương, kép đàn đã rất thành công với giọng hát, tiếng phách rất ả đào, phách không hụt, không thiếu, chuẩn mực. Bùi Trọng Hiền đã rất thành công khi tổng kết các cách đánh đàn, hát, gõ phách, trống của nhiều nghệ nhân tài danh của ca trù khi xưa để đưa ra quy luật, ứng dụng vào thực hành. Công trình này đã làm sống lại giọng hát, tiếng đàn, cách hát của các nghệ nhân lão thành, danh tiếng nổi danh như Quách Thị Hồ, Đinh Thị Bản, Đinh Thị Nghĩa, Đinh Khắc Ban… là những người lừng danh trong hát ca trù nước nhà. Qua đó, ta có thể thấy được trình thức Hát Cửa đình đã sống lại, thấy được dung dáng của Hát Cửa đình rất nghiêm túc, cẩn trọng, nghiêm trang khác hẳn với lối hát ca quán.
Ông Đặng Hoàng Loan cũng mong muốn dự án được tiếp tục thực hiện ở nhiều vùng quê khác nhau, góp phần làm sống lại di di sản âm nhạc đích thực của cha ông, không chỉ với ca trù mà còn nhiều loại hình âm nhạc khác. Có ý kiến cho rằng: Nếu tất cả đều học theo một phương pháp như Bùi Trọng Hiền đưa ra thì có lo ngại về một tương lai ca trù bị nhất thể hóa hay không? Về vấn đề này, ông Đặng Hoành Loan khẳng định: Không thể có chuyện nhất thể hóa ca trù. Khi học được trọn vẹn, thành thạo các ngón đàn, hát, phách của nghệ nhân đúng theo chuẩn mực cổ truyền thì chính sự tự do, phóng khoáng của ca trù sẽ tạo cho mỗi đào nương một phong cách riêng biệt. Do đó, không cần lo lắng đến việc mất đi tính sáng tạo trong ca trù…
Thành công của Bùi Trọng Hiền cùng nhóm cộng sự đã đóng góp rất nhiều vào báo cáo của Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đang hoàn thiện để trình lên UNESCO năm 2017. Cục Di sản văn hóa mong muốn các nhà nghiên cứu, trong đó có Bùi Trọng Hiền sẽ tiếp tục đầu tư, chia sẻ để chung tay bảo vệ, giữ gìn, phát triển ca trù trong đời sống đương đại.
Thanh Giang