Bắt đầu từ năm 2009, ngày 1-7 hằng năm được chọn là Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và cá nhân trong thực thi chính sách, pháp luật về BHYT. Trong hơn 10 năm qua, Ngày BHYT đã thực sự trở thành một trong những sự kiện quan trọng, lan tỏa ý nghĩa, tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của chính sách BHYT trong cộng đồng.
Nhiều lợi ích khi tham gia BHYT
BHYT là một chính sách xã hội do nhà nước tổ chức thực hiện, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, tạo nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động y tế, thực hiện công bằng và nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, việc tham gia BHYT cũng mang lại nhiều lợi ích quan trọng đối với mỗi cá nhân.
Theo quy định của Luật BHYT hiện hành, người tham gia BHYT có quyền lợi sau: được cấp thẻ BHYT miễn phí đối với các đối tượng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, các huyện đảo, xã đảo, người có công với cách mạng, thân nhân là cha-mẹ-vợ-chồng-con của người có công với cách mạng; được Quỹ BHYT trả toàn bộ hoặc một phần tiền khám, chữa bệnh; được chuyển đến bệnh viện tuyến trên khi bệnh nặng; được hưởng 50% chi phí điều trị ung thư…
BHYT mang lại lợi ích vô cùng to lớn tới toàn dân. Các trường hợp bệnh nan y và hiểm nghèo như ung thư, suy thận, tim mạch, các bệnh cấp cứu... nếu không tham gia BHYT thì việc chi phí cho mỗi lần xạ trị, chạy thận, hay phẫu thuật, điều trị rất lớn. Trong khi đó, nếu tham gia BHYT thì BHYT sẽ chi trả một phần hoặc toàn bộ số chi phí trong việc khám và điều trị bệnh.
Trong bối cảnh hiện nay, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ thì nhu cầu được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân là rất lớn và chính đáng. Việc tham gia BHYT sẽ là “phao cứu sinh” giúp đỡ cho người dân thoát khỏi “bẫy nghèo y tế”, nếu không may bị mắc bệnh”.
89,8% dân số tham gia BHYT
Cách đây 27 năm, chính sách BHYT ra đời theo Nghị định số 299/HĐBT ngày 15-8-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Điều lệ BHYT. Là một chính sách an sinh xã hội mới của Đảng và Nhà nước, lần đầu thực hiện ở nước ta, công tác tổ chức thực hiện BHYT thời kỳ đầu gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với bản chất nhân văn, ý nghĩa tốt đẹp, dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng và sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, chính sách BHYT đã vượt qua những bước thăng trầm, ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Ngày 22-11-2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; ngày 29-11-2013, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Nghị quyết này đặt mục tiêu: đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT. Ngày 28-06-2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1167/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020. Theo đó, đặt mục tiêu đến năm 2020 phải đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số.
Trong những năm qua, việc đẩy mạnh thực hiện lộ trình BHYT toàn dân đã tạo động lực mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện trên cả nước; lợi ích và hiệu quả của chính sách BHYT đã được chứng minh, làm thay đổi nhận thức, chung tay góp sức vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Tính đến năm 2019, cả nước đã có khoảng 83,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,8% dân số, vượt gần 10% so với chỉ tiêu trong Nghị quyết 68 và vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QÐ-TTg là 1,7%. Trong đó, có 22 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT hơn 90% dân số; 12 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ từ 88,1 đến dưới 90% và 29 địa phương đạt tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 88,1%.
Đáng chú ý, diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế, như: nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100% (khoảng trên 3 triệu người); nhóm người lao động đạt hơn 90%; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ như hộ cận nghèo đạt xấp xỉ 100% và gần 20 triệu người tham gia theo hình thức hộ gia đình. Trong đó, số lượng người cao tuổi tham gia BHYT ngày càng tăng qua các năm. Một trong những yếu tố bảo đảm cho tỷ lệ bao phủ BHYT tăng cao là chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ngày càng được nâng cao, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, nhất là tại y tế tuyến cơ sở.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn trên 10 triệu người chưa tham gia BHYT. Trong đó, chủ yếu là: những hộ gia đình thoát nghèo không mua BHYT nữa do không được hỗ trợ 100%; người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên. Một trong những trở ngại lớn trong thực hiện chính sách BHYT là tâm lý “cậy sức khoẻ và tuổi trẻ” của nhiều người nhất là học sinh sinh viên. Không ít bạn trẻ còn chưa nhận thức được việc tham gia BHYT là cần thiết cho bản thân, gia đình và xã hội. Không thực hiện nguyên tắc vàng “bảo hiểm khi trẻ, bảo hiểm khi khoẻ” để hưởng thụ và đề phòng lúc có tuổi và ốm đau bệnh tật.
Ngoài ra, dù hiện nay, chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh và Trung ương đã tương đối tốt, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân nhưng chất lượng khám, chữa bệnh tại các tuyến y tế xã, phường, thị trấn chưa đạt hiệu quả tích cực, làm cho người dân chưa thật sự tin tưởng vào công tác khám, chữa bệnh BHYT.
Tiến nhanh tới mục tiêu BHYT toàn dân
Để đạt mục tiêu BHYT toàn dân, theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, chúng ta phải tìm cách hỗ trợ, tuyên truyền, vận động để người lao động, người dân hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khoẻ. Cùng với đó, cần điều chỉnh chính sách tài chính y tế, nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… giúp đem lại lòng tin cho người dân về công tác khám, chữa bệnh BHYT.
Để đạt được mục tiêu đạt 100% (hiện là 94%) học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo chỉ đạo của Chính phủ, ông Phạm Lương Sơn cho biết, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp, sâu sát; tạo sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa cơ quan BHXH với các cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, nghiên cứu tạo bước đột phá về cơ chế hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên trong việc tham gia BHYT.
Ngoài nhóm học sinh, sinh viên và hộ cận nghèo, để phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT, ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất BHXH Việt Nam cần quan tâm tuyên truyền, vận động để bao phủ đến nhóm lao động phi chính thức và một số doanh nghiệp có sử dụng lao động nhưng không có quan hệ lao động hoặc một bộ phận người lao động chưa được tham gia BHXH, BHYT.
Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên báo cáo, xin ý kiến các cấp ủy, chính quyền địa phương để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, trong đó có BHYT. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật để nâng cao chất lượng dich vụ tại tuyến cơ sở và y tế chuyên sâu. Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo nền tảng trong quá trình phục vụ người dân tham gia BHYT.
Với chủ đề truyền thông về BHYT trong năm 2020 là “Thực hiện nghiêm luật BHYT hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”, vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 3368/BYT-BHYT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các sở, ngành liên quan tăng cường thực hiện các hoạt động truyền thông về BHYT nhân Ngày BHYT Việt Nam 1-7-2020.
Minh Duyên (tổng hợp)