Ngành du lịch Huế nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa

Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng lớn rác thải nhựa thất thoát ra đại dương gây ảnh hưởng không chỉ đến môi trường sống, còn tác động lớn đến chất lượng và các sản phẩm du lịch. Nhằm tạo nên sự đột phá xanh, phát triển bền vững trong ngành du lịch, các khách sạn tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang loại bỏ dần các sản phẩm nhựa sử dụng một lần với sự hỗ trợ từ các bên liên quan.

Bắt đầu từ những thay đổi nhỏ

Những năm qua, Huế là một trong những thành phố đi đầu trong việc huy động sự tham gia mạnh mẽ của cả xã hội vào phong trào chống rác thải nhựa, phấn đấu không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Địa phương đặt ra mục tiêu trong năm 2024 giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường, dưới sự hỗ trợ từ Dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) Na Uy tài trợ thông qua WWF-Việt Nam. Hưởng ứng chiến dịch này, vừa qua, 7 khách sạn thuộc Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, gồm: Villa Huế, Melia Vinpearl Huế, Azerai La Résidence Huế, ÊMM Huế, Mường Thanh Huế, Alba Spa Huế và Thanh Lịch đã tiên phong cam kết triển khai kế hoạch giảm sử dụng nhựa một lần trong hoạt động kinh doanh du lịch.

vna_potal_nganh_du_lich_hue_no_luc_tao_dot_pha_xanh_7282293.jpg
Sự xuất hiện của những ống hút tre đã loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa tại các phòng nghỉ và khoảng 90% tại nhà hàng, quầy bar của khách sạn. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Tại khách sạn ÊMM Huế (thành phố Huế), công việc hằng ngày của nhân viên nơi đây không chỉ là dọn dẹp vệ sinh, thay đồ dùng trong các phòng nghỉ, còn cọ rửa, bổ sung/thay nước vào các bình nước thủy tinh phục vụ khách lưu trú. Sự xuất hiện của những bình nước này loại bỏ hoàn toàn các chai nước nhựa đóng sẵn tại các phòng nghỉ và khoảng 90% tại nhà hàng, quầy bar của khách sạn.

Bắt đầu từ những chai nước nhựa đóng sẵn - sản phẩm được sử dụng phổ biến nhất trong ngành du lịch, khách sạn ÊMM Huế đã quyết định đầu tư hệ thống lọc nước được chứng nhận kiểm nghiệm để tự cung cấp nước uống cho du khách.

Giám đốc ÊMM Huế Lê Phước Khánh cho biết: Từ năm 2019, khách sạn đã triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Quan trọng hơn, năm 2023, khách sạn đăng ký chương trình phát triển bền vững và được tổ chức quốc tế Travel Life công nhận là khách sạn phát triển bền vững trên cơ sở đã đáp ứng được 120 tiêu chí về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Trong đó, giảm thiểu rác thải nhựa là vấn đề hết sức quan trọng cơ sở đã cam kết với Travel Life. Năm 2024, khách sạn sẽ giảm 90% lượng rác thải nhựa từ hoạt động kinh doanh dịch vụ so với năm 2023.

Những hành động cụ thể bao gồm: dùng vật liệu nhựa thân thiện môi trường đối với kem đánh răng, xà phòng, bàn chải đánh răng; hạn chế tối đa túi nilon từ các nhà cung cấp, phục vụ khách hàng bằng những túi xách giấy.

vna_potal_nganh_du_lich_hue_no_luc_tao_dot_pha_xanh_7282288.jpg
Các cuộc họp, hội nghị tại khách sạn Villa Huế (thành phố Huế) được phục vụ nước bằng các chai, cốc nước thủy tinh. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Những năm gần đây, du khách đến khách sạn Villa Huế nhận thấy nhiều thay đổi trong không gian và cách phục vụ. Không chỉ du khách lưu trú, khách hàng tham gia các cuộc họp, hội nghị tại đây đều quen với việc được cung cấp, phục vụ bằng các chai, cốc nước thủy tinh. Với bộ phận lễ tân và tiền sảnh, việc thay thế đồ nhựa chủ yếu ở khâu tiếp đón, tạm biệt khách.

Trở lại Villa Huế sau khoảng 10 năm, du khách Annie Doyere (Pháp) tỏ ra bất ngờ, thích thú vì nhiều điều mới lạ. Từ mứt, bơ được gói trong các hộp nhựa nay thay thế phục vụ trên các đĩa sứ sạch sẽ đến các hành lang phủ xanh, tươi mát. Phòng nghỉ trang bị các chai nước thủy tinh, túi đựng áo quần bẩn bằng vải, lọ đựng dầu gội, sữa tắm cỡ lớn… Những sự thay đổi này khiến bà hài lòng và muốn quay trở lại đây nhiều lần hơn.

Giám đốc khách sạn Villa Huế Nguyễn Thị Hoa chia sẻ, hàng năm cơ sở giảm được khoảng 200kg rác thải nhựa và tiết kiệm ngân sách khoảng 150 triệu đồng. Những con số này là minh chứng rõ ràng cho sự quyết tâm của khách sạn xây dựng hình ảnh du lịch xanh bền vững của Cố đô Huế, đồng thời tạo môi trường sống tốt đẹp cho không chỉ cho thế hệ hiện nay, còn hướng tới các thế hệ về sau.

“Chúng tôi hy vọng với sự tiên phong của mình sẽ khích lệ, động viên các đơn vị du lịch khác cùng làm theo để xây dựng một mạng lưới du lịch xanh mạnh mẽ cũng như bảo vệ phát huy giá trị thiên nhiên xinh đẹp của thành phố Huế - thành phố Xanh quốc gia, thành phố Du lịch sạch ASEAN” - Giám đốc khách sạn Villa Huế nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phúc, năm 2023 ngành du lịch tỉnh đã ban hành kế hoạch giảm rác thải nhựa đến năm 2025; đưa ra kế hoạch thực hiện cụ thể phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh và Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” để triển khai trên địa bàn. Bắt đầu từ những thay đổi nhỏ, các khách sạn tiên phong sẽ tạo đà cho những bước chuyển đột phá xanh lớn hơn để giảm gánh nặng cho môi trường nói chung và việc quản lý rác thải nhựa nói riêng đối với phát triển du lịch bền vững.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

COVID-19 là thách thức nhưng cũng là một “khoảng nghỉ” đối với ngành du lịch thế giới. Thừa Thiên - Huế không ngoại lệ. Sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, du lịch bắt đầu rục rịch hồi phục cũng là lúc các cơ sở lưu trú tái thiết lại cơ sở vật chất, xây dựng chiến lược phù hợp với xu hướng du lịch quan tâm sức khỏe nhiều hơn. Một trong những chiến lược là hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa - một vật liệu có thể gây ảnh hưởng xấu đến con người.

vna_potal_du_lich_viet_nam_nganh_du_lich_hue_no_luc_tao_dot_pha_xanh_7282297.jpg
Khách sạn ÊMM Huế đã đầu tư hệ thống lọc nước được chứng nhận kiểm nghiệm để thay thế những chai nước nhựa đóng sẵn. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Các cơ sở lưu trú là những mắt xích quan trọng trong việc giảm rác thải nhựa một lần đối với ngành du lịch. Du lịch xanh đang ngày càng trở thành xu thế trên toàn cầu. Du khách quốc tế ngày nay cũng có nhiều yêu cầu khắt khe hơn trong việc chọn lựa cơ sở lưu trú, bởi họ quan tâm đến vấn đề sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Từ những thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần, các cơ sở có thể giảm được chi phí mua vật dụng không cần thiết, cũng như chi phí thu gom, xử lý rác thải; xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt du khách và dễ dàng tiếp cận nhóm khách hàng yêu môi trường.

Nhờ sản xuất được nguồn nước sạch, khách sạn ÊMM Huế ước tính mỗi ngày loại bỏ được khoảng 100 chai nước suối bằng nhựa, tiết kiệm được ít nhất 20 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm cơ sở cắt giảm được ít nhất 700-800 triệu đồng để bù đắp cho nhiều chi phí nâng cao, hợp lý khác. Không những thế, những hành động xanh cũng giúp khách sạn tạo được uy tín trong việc bảo vệ môi trường, thu hút khách quốc tế ngày càng nhiều hơn.

Ngành du lịch Thừa Thiên - Huế có nhiều lợi thế để tạo đột phá xanh bởi địa phương có các "lò" đào tạo nguồn nhân lực du lịch lớn của khu vực từ trường Đại học Du lịch Huế và Cao đẳng Du lịch Huế. Một khi nhận thức của nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường được nâng cao, đội ngũ nhân viên khách sạn sẽ chính là "đại sứ" truyền thông truyền tải thông điệp hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa đến với khách hàng.

“Villa Huế là một khách sạn thực hành của trường Cao đẳng Du lịch Huế. Do đó, các hành động giảm nhựa của cơ sở sẽ định hướng, tác động tích cực và sâu rộng đến những lao động ngành du lịch trong tương lai” - Bà Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.

Sắp tới, ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế sẽ triển khai chương trình mang tính nâng cao nhận thức thông qua hoạt động truyền thông, chương trình phóng sự clip quảng bá đăng tải hình ảnh du lịch xanh của địa phương trên các kênh, nền tảng mạng xã hội. Song song đó, phát triển thêm các hoạt động, sản phẩm theo tiêu chí xanh, không rác thải nhựa để sớm hoàn thành mục tiêu thành phố Huế nói riêng, tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung đặt ra.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Đinh Mạnh Thắng nhận định, toàn cầu đang hướng đến vấn đề về bảo vệ môi trường và rác thải nhựa là vấn nạn gây nhiều lo lắng đối với nhân loại. Nếu ngành du lịch Thừa Thiên - Huế không theo kịp xu hướng này sẽ bị thụt lùi; khách du lịch quốc tế đánh giá thấp về chất lượng dịch vụ, du lịch, cũng như ứng xử giảm thiểu rác thải nhựa của địa phương. Vì thế, sau cam kết của 7 khách sạn, tỉnh phải có kế hoạch mở rộng thêm các đối tượng thực hành giảm nhựa; đó là các hội lữ hành, ẩm thực, hướng dẫn viên… để hướng đến một cộng đồng du lịch xanh bền vững.

Rác thải nhựa là vấn đề của toàn xã hội, ở hầu hết các ngành nghề, ngành du lịch cũng không phải là ngoại lệ. Nếu cộng đồng ngành "công nghiệp không khói" tại Huế làm tốt việc quản lý, hạn chế rác thải nhựa sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển xanh, sạch sáng của thành phố, để đưa Huế xứng tầm là thành phố du lịch sạch ASEAN.

Mai Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm