Phụ nữ Đồng Tháp kiếm tiền tỷ từ rác thải nhựa

Chị Trần Thị Itali ở thị trấn Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh) mang rác thải nhựa, kim loại đến nơi tập kết do Hội Liên hiệp phụ nữ xây dựng. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Chị Trần Thị Itali ở thị trấn Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh) mang rác thải nhựa, kim loại đến nơi tập kết do Hội Liên hiệp phụ nữ xây dựng. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Từ năm 2020 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp thực hiện hiệu quả mô hình “Biến rác thải nhựa thành tiền”. Qua đó, nhiều hội viên có ý thức hơn trong việc phân loại rác tại gia đình, lựa rác thải nhựa, kim loại để bán. Việc này vừa giúp chị em có tiền đóng góp cho công tác an sinh xã hội, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Phụ nữ Đồng Tháp kiếm tiền tỷ từ rác thải nhựa ảnh 1Bà Nguyễn Thị Suối ở xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh bán rác thải nhựa, kim loại để lấy tiền đóng góp cho công tác an sinh xã hội. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Trước đây, chị Trần Thị Itali, hội viên Chi hội phụ nữ khóm Mỹ Phú Cù Lao, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh chưa quan tâm đến việc phân loại rác tại nhà. Các loại rác thải của gia đình thường để chung vào một túi để đơn vị thu gom rác đến chở đi xử lý. Tuy nhiên, từ khi tham gia Tổ phụ nữ “Biến rác thải nhựa thành tiền”, nhận thức và hành động của chị Itali thay đổi đáng kể. “Tôi được các chị trong Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nên thấy được tầm quan trọng của việc phân loại rác. Rác thải bằng nhựa, kim loại hay túi nilon được tôi lựa ra, đựng trong túi riêng để bán lấy tiền đóng góp cho công tác từ thiện. Việc làm tuy nhỏ nhưng rất ý nghĩa” - chị Itali nói.

Phụ nữ Đồng Tháp kiếm tiền tỷ từ rác thải nhựa ảnh 2Bà Nguyễn Thị Suối ở xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh phân loại rác thải nhựa, kim loại để bán, lấy tiền đóng góp cho công tác an sinh xã hội. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Bà Nguyễn Thị Suối, hội viên Chi hội phụ nữ ấp Mỹ Đông Nhất, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh cũng đánh giá rất cao lợi ích mô hình “Biến rác thải nhựa thành tiền” mang lại và tích cực thực hiện mô hình này nhiều năm qua. Bà Suối cho hay: Việc phân loại rác tại nhà không mất nhiều thời gian nhưng có nhiều lợi ích, vừa giúp bảo vệ môi trường, hạn chế sự phát triển của những loại rác thải khó phân hủy, vừa có thêm ít tiền để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Phụ nữ Đồng Tháp kiếm tiền tỷ từ rác thải nhựa ảnh 3Nhiều năm nay, chị Trần Thị Itali (trái) ở thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh vẫn duy trì việc phân loại rác tại gia đình. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cao Lãnh Trần Thị Nết cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chọn thị trấn Mỹ Thọ triển khai thí điểm mô hình “Biến rác thải nhựa thành tiền”, sau đó đã nhân rộng ra 18/18 xã, thị trấn trong huyện. Đến nay, toàn huyện có trên 60 Tổ phụ nữ “Biến rác thải nhựa thành tiền”, hơn 1.500 hội viên tham gia. Mô hình có hiệu quả thiết thực, mang lại số tiền trên 100 triệu đồng, từ đó, các cấp Hội tặng nhiều phần quà cho hội viên phụ nữ nghèo, nhiều suất học bổng cho học sinh vượt khó học tốt.

Phụ nữ Đồng Tháp kiếm tiền tỷ từ rác thải nhựa ảnh 4Chị Trần Thị Itali ở thị trấn Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh) mang rác thải nhựa, kim loại đến nơi tập kết do Hội Liên hiệp phụ nữ xây dựng. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Thông qua mô hình “Biến rác thải nhựa thành tiền”, bằng nhiều hình thức, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh Đồng Tháp tuyên truyền, vận động hội viên hạn chế sử dụng túi nilon và vật dụng bằng nhựa dùng một lần; phân loại, thu gom, tái sử dụng rác thải nhựa, kim loại hoặc bán cho những người thu mua phế liệu; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần; không vứt rác thải xuống sông, kênh, rạch… Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tặng hội viên nhiều túi nilon tự hoại, nhiều giỏ xách nhựa đi chợ để hạn chế dùng túi nilon thông thường.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2020 đến nay, các cấp Hội đã thành lập được trên 240 Tổ phụ nữ “Biến rác thải nhựa thành tiền” với hơn 5.500 thành viên. Số tiền kiếm được từ mô mình “Biến rác thải nhựa thành tiền” được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ hỗ trợ gần 1.850 suất học bổng cho học sinh nghèo; tặng hơn 450 phần quà, 150 thẻ Bảo hiểm y tế, hỗ trợ sửa chữa 2 ngôi nhà… cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá trên 1,4 tỷ đồng. Đáng chú ý là kết quả này chỉ mới đến từ hơn 5.500 hội viên trong tổng số gần 298.000 hội viên phụ nữ toàn tỉnh, nghĩa là mô hình còn nhiều tiềm năng nhân rộng để giúp đời sống vừa văn minh hơn, vừa có tiền để thực hiện những công việc ý nghĩa.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hoa cho biết, mô hình “Biến rác thải nhựa thành tiền” được Hội triển khai, phát động thực hiện 2 năm nay, đạt được những hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của phụ nữ trong việc thu gom, phân loại và xử lý rác tại gia đình của mình, tạo cho chị em có thói quen tiết kiệm. Mô hình đã thu hút nhiều phụ nữ tham gia những hoạt động của Hội các cấp trong việc bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Với hiệu quả mang lại, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình “Biến rác thải nhựa thành tiền” ở các địa phương.

Nhựt An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm