Nêu cao vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới

Nêu cao vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Phương - TTXVN
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các chuyên gia quốc tế, các bộ, ngành, địa phương liên quan chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả của Ủy ban Quốc gia UNESCO trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và thiên nhiên vì sự phát triển bền vững. Càng ý nghĩa hơn khi hội thảo tổ chức tại Quần thể danh thắng Tràng An, di sản duy nhất của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tham luận đã nêu bật ý nghĩa, vai trò của các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đặc biệt, nêu cao vai trò của cộng đồng trong việc gìn giữ, phát huy giá trị các di sản. Trong đó, các đại biểu tập trung làm rõ nhiều nội dung quan trọng như: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa gắn với các mục tiêu phát triển bền vững; Thực trạng công tác bảo tồn di sản hiện nay của Việt Nam và các quy định của UNESCO; vai trò của Ủy ban Quốc gia UNESCO trong công tác bảo tồn di sản; vai trò của các đơn vị tư nhân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản...

Các ý kiến tham luận đều cho rằng, các địa phương có di sản cần thực hiện nghiêm 17 mục tiêu mang tính phổ quát, bao trùm và chuyển đổi được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm thể hiện quyết tâm chuyển từ khát vọng sang hành động để thay đổi thế giới theo hướng bền vững và nhân văn hơn. Mục tiêu này mở ra con đường mới để tích hợp văn hóa vào các chính sách về kinh tế, xã hội và môi trường bền vững. Trong nhiệm vụ này, UNESCO là tổ chức có vai trò quan trọng trong việc tăng cường giá trị đóng góp của văn hóa với tư cách là mục tiêu và động lực trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Nhiều ý kiến đồng nhất, bên cạnh việc coi trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần có sự chung tay của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cộng đồng sinh sống trong vùng di sản. Mặt khác, các ý kiến đều cho rằng, các công việc về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản ngày càng quan trọng và cấp thiết nhằm đảm bảo tốt các cam kết với UNESCO cũng như hoàn thành các mục tiêu về phát triển bền vững, đóng góp cho sự phát triển cân bằng, hài hòa của quốc gia và địa phương có di sản. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản này đòi hỏi nhiều nỗ lực với sự tham gia của nhiều chủ thể, hoạt động trên các lĩnh vực như xây dựng chính sách, phối hợp thông tin, hoạt động giữa các đơn vị quản lý, tuyên truyền giáo dục cộng đồng... trong đó không thể thiếu được vai trò điều phối các tiểu ban chuyên môn với các địa phương của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
Đức Phương
TTXVN

Có thể bạn quan tâm