Nâng giá trị quả mơ Yên Tử

Nâng giá trị quả mơ Yên Tử

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Uông Bí, Quảng Ninh, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp kinh tế Quảng Ninh, ông Vũ Anh Tuấn (sinh năm 1970) không lựa chọn khởi nghiệp trong các cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp, mà chọn phát triển kinh tế nông nghiệp bằng nghề trồng mơ và chế biến rượu mơ Yên Tử. Sau nhiều năm vừa sản xuất vừa nghiên cứu, mô hình của gia đình ông Tuấn đã phát triển và cho lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ông Vũ Anh Tuấn được tôn vinh là 1 trong 100 Nông dân tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Nâng giá trị quả mơ Yên Tử ảnh 1Anh Vũ Anh Tuấn thu hoạch mơ. Ảnh: TTXVN

Từ hai bàn tay trắng

Ông Tuấn chia sẻ, sau khi ra trường, ông lập gia đình và ra ở riêng. Lúc đầu cuộc sống rất khó khăn, từ năm 1991 ông quyết định mở rộng khu vườn đồi của gia đình để tăng thu nhập. Mới đầu, ông trồng khoai, sắn, rau và một số loại cây ăn quả; chăn nuôi lợn, gà thịt theo phương pháp truyền thống, giá trị kinh tế không cao. Quyết tâm thoát nghèo từ chính mảnh đất quê hương, ông đã mày mò nghiên cứu, đi tham quan ở một số nơi ở Ninh Bình, Sơn La về việc trồng mận, mơ chế biến rượu. Sau đó ông đã mạnh dạn đầu tư, vay thêm 500 triệu đồng để mở rộng diện tích trồng mơ lông và chế biến thành rượu mơ Yên Tử.

Chia sẻ về niềm đam mê với rượu mơ, ông Tuấn cho biết, năm 1981 gia đình ông bán hàng nhỏ ở dưới chân Chùa Lâm (Yên Tử), xung quanh Chùa có nhiều cây mơ, vào mùa mơ chín, thấy quả rụng nhiều lãng phí nên ông đã có ý tưởng mang về ngâm rượu. Rượu của gia đình ông sản xuất lúc đầu ít người biết, sau này hàng xóm và du khách biết đến nhiều hơn, do vậy ông đã quyết định đầu tư mở rộng sản xuất rượu.

Từ quy trình nấu thủ công, quy mô nhỏ, khoảng 10 năm trở lại đây gia đình đã đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến hiện đại, lọc bỏ andehit, methanol, các chất có lợi được sản sinh tự nhiên sau quá trình ngâm rượu hoa quả. Ông Tuấn cho biết ngoài những bí quyết gia truyền thì nước nấu rượu được lấy từ nguồn trên núi Yên Tử. Theo ông Tuấn, rượu mơ lên men tự nhiên, vị ngọt nhẹ, hơi cay, có lợi cho hệ tiêu hóa, thanh nhiệt, chống lão hóa…, nhưng chỉ nên sử dụng lượng vừa đủ, không nên lạm dụng để đảm bảo sức khỏe.

Nâng giá trị quả mơ Yên Tử ảnh 2Rượu mơ được ủ trên 15 năm được bảo quản tại hầm rượu. Ảnh: Thanh Vân - TTXVN

Cơ sở nhỏ của gia đình ông Tuấn giờ đã trở thành cơ sở "tầm cỡ" sản xuất rượu mơ Yên tử thương hiệu Quang Vinh. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng cho sản xuất, gia đình ông Tuấn đã vận động bà con nông dân địa bàn trồng mơ trên đất hoang hóa, đến nay đã phát triển được gần 7ha vùng nguyên liệu. Ngoài bao tiêu đầu ra cho quả mơ của nông dân địa phương, cơ sở của gia đình ông còn bao tiêu đầu ra cho các vùng mơ của thị xã Đông Triều, Uông Bí, phường Hoành Bồ (thành phố Hạ Long).

Doanh thu hàng năm của cơ sở đạt hàng tỷ đồng, riêng năm 2022 đạt 6,5 tỷ, trừ chi phí gia đình ông thu về 3,1 tỷ đồng, trở thành hộ nông dân có thu nhập cao. Sản phẩm rượu mơ Yên Tử đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Ninh. Cơ sở đang phát triển thêm thương hiệu rượu sim Yên Tử và đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Trách nhiệm với cộng đồng

Cơ sở của ông Tuấn tạo việc làm cho 10 công nhân lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Bà Triệu Thị Minh (dân tộc Dao Thanh Y, sinh năm 1974) thôn Nam Mẫu 1, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí chia sẻ: Trước đây khi chưa đi làm cho cơ sở của ông Tuấn, bà ở nhà làm nông, thu nhập bấp bênh. Gần 7 năm nay được làm việc tại cơ sở, bà đã có thu nhập ổn định và vẫn đảm bảo được việc làm nông của gia đình. Giờ đây cuộc sống gia đình bà được cải thiện hơn, có chi phí trang trải cho con cái học hành và lo cho cuộc sống. Cùng với bà, ở xã Thượng Yên Công cũng có nhiều người làm việc tại cơ sở này.

Song song với tạo việc làm, hàng năm ông Tuấn còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ, giúp đỡ từ 3 đến 5 hộ nghèo về vốn, giống và kinh nghiệm sản xuất, với khoảng 20 triệu đồng/hộ.

Nâng giá trị quả mơ Yên Tử ảnh 3Rượu mơ Yên Tử là 1 trong 35 sản phẩm được tôn vinh là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh năm 2023. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Yên Công (Uông Bí) Trương Thị Thanh Hương thông tin, cơ sở rượu mơ Yên Tử của gia đình ông Tuấn những năm gần đây đều chung tay cùng chính quyền, đoàn thể tặng quà cho từ 30-40 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương.

Với nhiều thành tích đạt được, năm 2023 ông Tuấn được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ghi nhận là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc; nhiều năm liên tục đạt danh hiệu "Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh"; được Chủ tịch UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, các sở, ngành của tỉnh và thành phố Uông Bí khen thưởng.

Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đánh giá: Ông Tuấn là điển hình tiêu biểu trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững của tỉnh. Sản phẩm rượu mơ Yên Tử của ông là sản phẩm OCOP đạt 4 sao, được bình chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2021 và năm 2023. Ông Tuấn được đánh giá cao về phát triển kinh tế hộ gia đình và đồng hành cùng với các nông dân trên địa bàn phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới, làm giàu cho quê hương.

Để phát triển mô hình, tăng giá trị kinh tế và tạo việc làm nhiều hơn cho người dân lao động, ông Tuấn đang tiến hành các thủ tục để mở rộng vùng trồng mơ thêm 40ha trên địa bàn thành phố Uông Bí. Ông Tuấn mong muốn tiếp tục được các cấp chính quyền, ban, ngành hỗ trợ các thủ tục để mở rộng quy mô sản xuất, chế biến rượu mơ Yên Tử.

Thanh Vân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm