Cảm giác đầu tiên ở Châu Đốc đến từ chút ngòn ngọt của tô bún cá, chút nhân nhẫn của bông điên điển làm rau ăn kèm và sau đó là một ly cà phê đen đá to đúng cách của người miền Tây. Sau đấy là mùi mắm các loại khá đặc trưng ngay từ phía bên kia đường của lăng Thoại Ngọc Hầu. Vào thời điểm này, tuy không phải dịp lễ nhưng những điểm đỗ xe vẫn chật ních, những đoàn người trong chật cứng mùi hương và tiếng khấn vái thầm thì. Được xem là một công trình kiến trúc tiêu biểu, phụng thờ một danh tướng tiêu biểu dưới thời nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Thoại-người được lưu danh ở vùng đất này với việc chỉ huy thực hiện 2 công trình tiêu biểu là kênh Thoại Hà vào năm 1818 và kênh Vĩnh Tế vào năm 1819. Theo Đại Nam Nhất Thống chí thì kênh Vĩnh Tế “dài 105 dặm rưỡi, tiếp với sông cũ đến cửa biển Hà Tiên, cộng 205 dặm rưỡi. Từ đấy đường sông mới thông, việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng”.
Du lịch rừng tràm Trà Sư. Ảnh: K.N.B |
Khi đứng trên đỉnh núi Sam, nơi có miếu bà chúa Xứ, nhìn con kênh chảy hiền hòa giữa đồng ruộng và xóm làng, tôi cứ nghĩ mãi về một tầm nhìn chiến lược của người xưa trong phát triển quốc phòng và kinh tế. Gần 200 năm đã qua, dòng kênh này vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc đưa nước ngọt từ sông Tiền vùng đồng bằng Thất Sơn và vùng Tứ giác Long Xuyên, đồng thời dồn tụ phù sa để góp phần mang lại vẻ trù phú cho đồng ruộng vùng châu thổ Cửu Long. Đã có 9/13 tỉnh miền Tây bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nắng hạn, tuy nhiên An Giang nói chung và Châu Đốc nói riêng vẫn chưa có tên trong danh sách này. Kênh Vĩnh Tế vẫn hiền hòa mang nước về đồng ruộng và phía bên kia thành phố, sông Hậu vẫn đang hối hả chảy dưới nắng oi và hanh...
Mua vé lên một chuyến phà để qua làng Chăm phía bên dòng Châu Giang, chỉ chừng mươi phút là đã có thể cảm nhận một nhịp sống khác của người làng Chăm Islam. Tôi thích cách mà người ở đây hồn nhiên phơi “tung lò mò”-lạp xưởng bò màu đỏ sẫm bên hiên nắng, trên những sào tre hay sạp gỗ; thích đôi mắt của thiếu nữ Chăm ngước lên nhìn khách dưới tấm khăn hijab-đôi mắt mà tôi đồ chừng sẽ đốn ngã trái tim của một anh chàng đa cảm nào đó. Làng Chăm ở vào phum Soài, ấp Hòa Phong, xã Châu Phong và một số con đường nhỏ khác thuộc thị xã Tân Châu an hòa trong tiếng chơi đùa của mấy bé gái, trong bước chân thong dong của những người phụ nữ mặc abaja và những người đàn ông mặc xà rông truyền thống. Dù quy mô và sự bề thế là khác nhau, nhưng kiến trúc của các thánh đường Hồi giáo đều có biểu tượng mặt trời và vầng trăng khuyết, cửa và nóc hình vòm, màu chủ đạo là xanh và trắng. Màu mà theo giải thích của ông Mohamet, 64 tuổi mà tôi gặp ở thánh đường Mosque Mubarak, là tượng trưng cho sự trong sáng và an lành.
Điều còn lại trước khi rời Châu Đốc là một khoảng xanh, thơm mát và ngây ngây mùi hương tràm ở Trà Sư-khu rừng đặc trưng của loại rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Nam bộ rộng 845 ha, là nơi tập trung sinh sống của khoảng 140 loài thực vật xác định, 11 loài thú và 23 loài cá, trong đó có nhiều loài quý hiếm và có giá trị khoa học. Khi ngồi trên thuyền lướt đi trên mặt nước còn đầy những bèo, dưới những hàng tràm tuổi tác, tôi mơ màng nghe tiếng ong bay, nghe tiếng những chú chim cồng cộc vỗ cánh khi bị đánh thức và những con cò chao cánh ở phía xa. “Mùa Xuân khi bông vừa lên, ong về tìm hoa hút mật, là khi ta đi tìm nhau, bỗng gặp tình yêu say đắm...”-không biết có phải những ca từ ấy trong bài hát Hương Tràm đã bắt đầu từ những dư vị dễ thương này? Tôi đã nghĩ hoài về điều đó, khi bước qua 137 bậc cấp để leo lên đỉnh tháp cao 23 mét nhìn ra mông lung rừng tràm.
Báo Điện tử Gia Lai