Nâng chất nông thôn mới ở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh

Nâng chất nông thôn mới ở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh
Đánh giá về kết quả thực hiện nông thôn mới trên địa bàn huyện Củ Chi, ông Tất Thành Cang cho rằng, trong thời gian qua, huyện Củ Chi đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. 
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
 
Điển hình như mô hình sản xuất các sản phẩm sữa tươi của Hợp tác xã Thương mại dịch vụ sản xuất chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội; các mô hình trồng lan cắt cành mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Việc phân vùng trồng rau sạch, trồng lan, nuôi cá cảnh, chăn nuôi bò sữa, bò thịt, phân vùng giết mổ gia súc… được thực hiện khá tốt ở Củ Chi.

Theo ông Tất Thành Cang, để phát triển kinh tế, huyện Củ Chi cần nhân rộng các mô hình hợp tác sản xuất, nhất là mô hình hợp tác xã cung cấp dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế ở làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng Củ Chi. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ, tập huấn cho người dân về tay nghề và kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, kinh nghiệm tổ chức quản lý sản xuất quy mô lớn. Bên cạnh phát triển kinh tế, huyện Củ Chi cũng cần quan tâm đến môi trường, nhất là vệ sinh môi tường trong sản xuất nông nghiệp, xử lý rác thải, nước thải và tạo cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, đồng bộ.
 
Ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, hiện trên địa bàn huyện có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại như mô hình chăn nuôi, sản xuất tiên tiến tại Hợp tác xã Thương mại dịch vụ sản xuất chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội, mô hình chuyển giao heo giống có nguồn gốc từ Đan Mạch thực hiện tại Hợp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong, mô hình sấy thực phẩm ứng dụng năng lượng mặt trời tại Hợp tác xã Tương Lai….
 
Với hiệu quả kinh tế từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thu nhập bình quân đầu người huyện Củ Chi từ 40 triệu đồng/năm vào năm 2015 tăng lên hơn 46 triệu đồng/năm vào năm 2017.

Hiện 20 xã của huyện Củ Chi đều đạt từ 11 đến 17 tiêu chí nông thôn mới theo Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Các đơn vị lực lượng vũ trang thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hỗ trợ xây dựng nông thôn mới với các xã của huyện Củ Chi. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Các đơn vị lực lượng vũ trang thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hỗ trợ xây dựng nông thôn mới với các xã của huyện Củ Chi. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
 
Thời gian tới, huyện Củ Chi sẽ tập trung thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng và năng suất sữa của các đàn bò sữa, phát triển bò thịt lai cao sản, phát triển mô hình chăn nuôi quy mô đàn trên 50 con tại các trang trai được đầu tư thiết bị hiện đại.

Bên cạnh đó, huyện sẽ vận dụng các chính sách hỗ trợ lãi vay, xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật.
 
Mô hình trồng lan của bà Trần Thị Mỹ Trinh ở ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương. Theo bà Mỹ Trinh, năm 2009, với 90 triệu đồng tiền vốn, bà đầu tư mua hơn 1.000 cây lan Mokara trồng trên diện tích 500 m2.
 
Nhờ được xã hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc lan và thị trường tiêu thụ lan cắt cành ổn định nên đến nay vườn lan của bà đã mở rộng diện tích lên đến 6.000 m2 với hơn 30.000 cây, thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 40 triệu đồng.
Trao tặng Giấy khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Trao tặng Giấy khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN

Bà Mỹ Trinh đang dự định mở rộng thị trường tiêu thụ hoa lan cắt cành ra các tỉnh khu vực miền Trung, miền Bắc và tiến hành thủ tục thành lập Hợp tác xã trồng lan nhằm tạo điều kiện cho các xã viên nâng cao thu nhập từ nghề trồng lan cắt cành.
 
Trong khi đó, Hợp tác xã Thương mại dịch vụ sản xuất chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội hiện là đơn vị đi đầu về phát triển kinh tế giúp xã viên nâng cao thu nhập ở huyện Củ Chi. Thành lập năm 2007, ban đầu Hợp tác xã chỉ đóng vai trò là đơn vị trung chuyển sữa bò tươi từ hộ chăn nuôi đến đơn vị tiêu thụ.

Năm 2010, Hợp tác xã đứng ra ký hợp đồng trực tiếp với các đơn vị thu mua, trong đó có Công ty cổ phần Lothamilk (Bò sữa Long Thành), Công ty cổ phần thục phẩm CMT (Bông milk)….

Năm 2017, Hợp tác xã mạnh dạn đầu tư 37 tỷ đồng xây dựng Nhà máy sữa thanh trùng Củ Chi chuyên sản xuất sữa tươi thanh trùng, sữa chua ăn, sữa chua uống… cung cấp trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
 
Theo ông Nguyễn Minh Khánh, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại dịch vụ sản xuất chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội, thời gian tới, Hợp tác xã sẽ xây dựng 2 trạm dừng chân ở xã An Nhơn Tây, Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) để giới thiệu và quảng bá sản phẩm sữa của Hợp tác xã, đồng thời tìm đối tác để ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm sữa của Hợp tác xã ra nước ngoài./.
  Nguyễn Xuân Dự

Có thể bạn quan tâm