Nâng chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao trở lên tại An Giang

Nâng chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao trở lên tại An Giang

Ngày 15/9, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP và kết nối sản phẩm thuộc chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh An Giang năm 2023.

Nâng chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao trở lên tại An Giang ảnh 1Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Sang -TTXVN

Tại An Giang, thời gian qua Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Từ đó, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp "đa giá trị", gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch. Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống; hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một "đại sứ" chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.

Đến năm 2025, An Giang phấn đấu thêm 170 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có thêm 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao - cấp quốc gia; củng cố và nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có nhất 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; trong đó, có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ, ít nhất 20% chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đến năm 2025, An Giang có 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử... Đồng thời mỗi huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh sẽ có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch tại địa phương;

Để sản phẩm OCOP An Giang lớn mạnh, có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, tập trung nâng cao nhận thức, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, đưa OCOP trở thành một dấu hiệu nhận diện về sản phẩm trên thị trường. Tỉnh An Giang sẽ đẩy mạnh xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, đặc sắc để tạo điểm nhấn, thúc đẩy tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu, kết nối ngay từ giai đoạn tổ chức sản xuất, tạo sự kết nối giữa sản xuất - thị trường, từng bước tổ chức các sự kiện tuần lễ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP Việt Nam ở các nước như chấu Âu, Mỹ, Nhật Bản...

Nâng chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao trở lên tại An Giang ảnh 2Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh và Siêu thị Tứ Sơn An Giang ký biên bản ghi nhớ công tác phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp OCOP. Ảnh: Thanh Sang - TTXVN

Tính đến cuối tháng 8/2023, toàn tỉnh An Giang có 92 sản phẩm đạt chứng nhận "Sản phẩm OCOP" từ 3 sao trở lên; trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao - cấp Quốc gia; 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 15 sản phẩm đạt 4 sao, 72 sản phẩm đạt 3 sao. Hiện An Giang đã có 62 chủ thể sản xuất kinh doanh có Sản phẩm OCOP; trong đó 5 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 21 doanh nghiệp và 35 cơ sở sản xuất kinh doanh. Dự kiến đến cuối năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 70 sản phẩm đạt chứng nhận "Sản phẩm OCOP" từ 3 sao trở lên.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang lưu ý, bên cạnh kết quả đạt được phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, tồn tại của Chương trình OCOP sau gần 5 năm triển khai. Theo đó, số lượng sản phẩm OCOP tăng nhưng chưa thực sự bền vững, một số địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành, không phải là các sản phẩm có lợi thế; chủ thể khi tham gia vào chương trình chưa tập trung chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, nâng cao năng lực thực sự của chủ thể…

Ông Lâm cũng cho rằng, hoạt động xúc tiến sản phẩm OCOP tuy được nhiều địa phương trong tỉnh triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP. Đặc biệt, việc quản lý, giám sát sản phẩm sau khi được công nhận còn là vấn đề cần được quan tâm và đẩy mạnh.

Để Chương trình OCOP An Giang đạt được những kết quả tích cực, ông Nguyễn Sĩ Lâm lưu ý, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng của địa phương; trong đó, hỗ trợ chủ thể chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường gắn với chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đặc sắc, gia tăng giá trị trên cơ sở bảo tồn và phát huy ngành nghề nông thôn nhằm phát huy sức sáng tạo của người dân nông thôn.

Thanh Sang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm