Mỹ dự kiến sẽ điều tàu chiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng ở quần đảo Trường Sa bất chấp sự phản đối của các bên tuyên bố chủ quyền khác như Philippines và Việt Nam. Động thái trên nhiều khả năng sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington trong bối cảnh người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh mới tuyên bố tại một cuộc họp báo hồi tuần trước rằng "chúng tôi cực lực phản đối bất kỳ nước nào sử dụng quyền tự do qua lại và quyền bay qua làm cái cớ để gây phương hại chủ quyền và an ninh của nước khác".
Máy bay chiến đấu F-35C do Tập đoàn Lockheed Martin chế tạo trên tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower của Mỹ ở Đại Tây Dương ngày 4/10. AFP/ TTXVN |
Cho dù giới chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đã gián tiếp nói về kế hoạch tuần tra của Hải quân Mỹ tại Biển Đông, việc thông báo kế hoạch này cho các nước hữu quan thông qua kênh ngoại giao nhấn mạnh lập trường phản đối của Tổng thống Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) trước các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Chính quyền của Tổng thống Obama tránh điều tàu quân sự vì lo ngại phản ứng tiêu cực từ phía Bắc Kinh, nhưng họ đã quyết định hành động như trên trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục công việc bồi đắp và xây dựng các cơ sở trong vùng biển này.
Theo một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, kể từ năm 2012, Washington đã không tiến hành tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các bãi đá ngầm do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông. Hồi đầu tháng này, Chính phủ Mỹ đã thông báo với các nước quanh các vùng biển tranh chấp về kế hoạch đảm bảo "tự do hàng hải" và cho biết sẽ sớm triển khai kế hoạch này, nhưng không nói rõ thời điểm./.