Việc triển khai cụm tàu sân bay này được xem là bước đi phô trương sức mạnh mới nhất của Mỹ tại khu vực, trong bối cảnh Washington cáo buộc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông nhằm thực hiện tham vọng lãnh thổ phi lý. Tàu sân bay Stennis được hộ tống tại vùng biển này bởi tàu tên lửa Antietam và Mobile Bay, hai tàu khu trục Chung-Hoon và Stockdale. Soái hạm Blue Ridge – Sở chỉ huy nổi của Hạm đội 7 đóng tại Nhật Bản, cũng hiện diện cùng cụm tàu chiến, khi đang trên hành trình ghé thăm cảng ở Philippines.
Cụm tàu sân bay tấn công John C. Stennis trong một cuộc tập trận. Ảnh: AP
|
Phát ngôn viên Hạm đội 7 có ý giảm thiểu tầm quan trọng của động thái quân sự này khi nói rằng máy bay, tàu chiến của Mỹ vẫn hoạt động thường xuyên và liên tục ở Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông trong hàng thập kỉ qua.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định việc phái hàng không mẫu hạm Stennis và cụm tàu hộ tống là một tín hiệu rõ ràng nhằm vào Bắc Kinh và khu vực. “Hẳn nhiên là Hải quân và Bộ Quốc phòng Mỹ đang muốn chứng tỏ cam kết tuyệt đối về hiện diện quân sự và tự do hàng hải ở khu vực. Với cả một cụm tàu sân bay biên chế đủ, cùng cả tàu chỉ huy, Hải quân Mỹ cho thấy mối quan tâm của họ, cùng với đó là khả năng phóng tầm ảnh hưởng, hiện diện trên khắp thế giới”, Jerrt Hendrix, cựu thuyền trưởng hải quân và hiện là chuyên gia phân tích tại Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington, nhận định.
Căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là sau các bước đi của Trung Quốc ở Biển Đông. Hồi giữa tháng 2, giới chức, truyền thông Mỹ loan tin, Bắc Kinh đã cho triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 tại đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm 24/2, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM), Đô đốc Harry Harris cáo buộc Bắc Kinh đang quân sự hóa Biển Đông nhằm thực hiện tham vọng thiết lập bá quyền ở Đông Á.
Trước đó, hồi tháng 9/2015, tàu khu trục Lassen đã đi qua khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp, xây dựng trái phép ở Biển Đông. Hôm 30/1 vừa qua, tàu khu trục Curtis Wilbur cũng tiến hành hoạt động tuần tra gần đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam.
Trong 2 năm trở lại đây, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp, xây đảo nhân tạo trái phép quy mô lớn ở Biển Đông, đặc biệt là tại Trường Sa nhằm phục vụ cho các yêu sách chủ quyền vô lý. Điều này đã khiến giới quan chức, học giả Mỹ quan ngại. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) theo đặt hàng của Quốc hội Mỹ công bố hồi tháng 1 cho thấy, Bắc Kinh đang tìm cách tạo ra những thay đổi trong cuộc chơi ở Biển Đông trước các nước có tuyên bố chủ quyền, chủ yếu là dựa trên sức mạnh quân sự, nhất là hải quân.
CSIS cảnh báo nếu không bị ngăn chặn kịp thời, rất có thể Biển Đông sẽ bị Trung Quốc biến thành “ao nhà” vào năm 2030. Báo cáo của Trung tâm này kết luận chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ mà Tổng thống Barack Obama là người khởi xướng cần nhận được nhiều sự quan tâm và nguồn lực hơn nữa, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy nhanh tốc độ "cưỡng chế" và xây dựng “đảo nhân tạo” ở Biển Đông.
Báo Tin Tức