Hoa dã quỳ bung sắc vàng trên khắp các triền núi, sườn đồi. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN |
Đây cũng chính là lúc những đóa dã quỳ bung nụ trên khắp các triền đồi, vạt núi. Dã quỳ là loài cây dại mọc len lỏi khắp các nương rẫy, hai bên đường. Đây cũng là loài cây tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của người Tây Nguyên, đâm chồi nảy lộc trong mùa mưa tháng 6, đến khoảng tháng 11, 12 dương lịch thì đồng loạt bung hoa. Sắc vàng của dã quỳ làm nao lòng du khách, trên cây hoa tươi rói nhưng chỉ cần hái rời cành là hoa cụp cánh, héo rũ như thể loài hoa này chỉ muốn khoe sắc tại núi rừng, không tách rời, mang đi xa được.
Núi lửa Chư Đăng Ya, núi Đá, núi Hàm Rồng hay Biển Hồ là những địa điểm giới trẻ đến "check in" cùng hoa dã quỳ nhiều nhất trong năm tại Gia Lai. Nếu đi xe máy, hai bên đường những con dốc ngoằn ngoèo dẫn ra vùng ngoại ô thành phố Pleiku, du khách sẽ được chiêm ngưỡng rợp sắc vàng hoa dã quỳ. Hàng năm, tỉnh Gia Lai đều tổ chức Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan.
Anh Hoàng Thanh Hà, 40 tuổi, đến từ Hà Nội cho biết: Đây là lần thứ 3 anh cùng gia đình đến Gia Lai du lịch vào dịp hoa dã quỳ nở. Đây là nơi nghỉ dưỡng rất thú vị, tránh xa khói bụi thành phố, tìm về với phong cảnh rừng núi thanh bình.
Thiếu nữ người dân tộc Jrai gùi lúa về. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN |
Mùa này, Gia Lai còn thu hút du khách bởi những cành hoa muồng vàng điểm sắc trên các đồi chè xanh biếc, bạt ngàn. Gia Lai có hơn 1.500 ha chè, cây muồng được trồng xen trong diện tích này để lấy bóng mát che cho những luống chè xanh. Tháng 11, khi công nhân thu hoạch chè cũng là lúc mùa hoa muồng khoe sắc, nhìn từ trên cao xuống những chùm muồng vàng rực rỡ trên nền bạt ngàn chè xanh mướt, kéo dài miên man đến tận chân núi. Đây cũng là điểm đến của nhiều du khách để được tận hưởng không khí mát lành, bình yên của Gia Lai. Tháng 10/2019, lần đầu tiên tỉnh Gia Lai tổ chức Ngày hội hoa muồng vàng tại xã Bầu Cạn, huyện Chư Prông thu hút hàng nghìn lượt du khách tham quan, chiêm ngưỡng.
Hoa muồng vàng bung nở trên các đồi chè xanh mướt. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Thời điểm này cũng chính là mùa gặt tại Gia Lai, những dãy lúa sóng sánh vàng uốn lượn trên đồng phảng phất mùi hương. Ở Gia Lai có 2 loại lúa: lúa nước và lúa rẫy. Đi về hướng Đông Nam tỉnh Gia Lai, du khách sẽ được thấy hàng trăm ha lúa đang chín vàng trên cánh đồng chuyên canh huyện Phú Thiện. Ngược về phía Đông, trên các con đường mòn về làng, tấp nập các chị, các mẹ gùi từng bó lúa về chất đầy sân. Vụ mùa bội thu, nụ cười tỏa nắng của cô gái Jrai, Bahnar hòa lẫn trong sắc vàng lúa chín càng làm cho mùa vàng trên vùng đất này thêm phần thú vị. Du khách cũng thường tìm đến các rẫy lúa chín của người dân tộc thiểu số nơi đây để hiểu thêm sự khác biệt về văn hóa vùng miền.
Những đồng lúa vàng trải dài đến tận chân núi. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN |
Chị Trương Hoàng Trân, 20 tuổi, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đang thích thú chụp ảnh cùng nhóm bạn. Chị Trân cho biết, đây là lần đầu chị đến với Gia Lai qua lời giới thiệu của các bạn đi lần trước. Nhóm du lịch của chị rất thích cảnh vật hoang sơ của núi rừng Gia Lai, nhất là được chụp ảnh cùng hoa dã quỳ, rẫy lúa tại các chân núi, đặc biệt là thưởng thức những món ăn đậm chất Tây Nguyên.
Là người bản địa hay du khách phương xa, không ai có thể cưỡng lại được sức hút mãnh liệt của sắc vàng vùng đất đỏ Bazan mùa này. Nếu đi du lịch Tây Nguyên, du khách nên chọn thời điểm này để được hít hà mùi nắng, mùi thơm lúa chín, mùi trái cà phê chín mọng. Đặc biệt du khách sẽ được hòa mình vào sắc vàng của những loài hoa là biểu trưng cho sức sống mãnh liệt của vùng đất đỏ Bazan Tây Nguyên hùng vỹ.
Hồng Điệp