Đồng thời, các tuyến đường Thống Nhất, Phạm Văn Chiêu, Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá, Song Hành, Tân Thới Nhất 17 (Quận 12) nước ngập kéo dài gần 1 km khiến các phương tiện di chuyển khó khăn, nhiều xe bị chết máy. Nhân viên công trình đô thị phải dọn dẹp rác ở miệng cống, tháo nắp cống để nhanh rút nước, giảm ngập.
Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet |
Nguyên nhân có mưa chuyển mùa (hay còn gọi là mưa dông nhiệt) là do những ngày nắng nóng, oi bức vừa qua làm nước biển, sông, hồ bốc hơi nước tạo ra những dòng mây đối lưu gây mưa. Mưa chuyển mùa thường xuất hiện từ 14 - 17 giờ hàng ngày, có thể xuất hiện liên tục trong vài ngày tới cho đến cuối tháng 4. Dự báo, đến giữa tháng 5, khu vực Nam bộ sẽ bắt đầu vào mùa mưa.
Theo bản tin Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ ngày 23/4, vùng mây đối lưu tiếp tục phát triển gây mưa tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ và một số tỉnh miền Tây Nam bộ, có khả năng mưa sẽ lan rộng ở nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ trong vài ngày tới.
Cảnh báo về mưa chuyển mùa tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo chuyên gia môi trường thủy sản Lê Cẩm Lương, mưa chuyển mùa nếu kéo dài đủ lâu có thể làm rửa trôi các chất trong cống thải cũng như lớp bùn dưới đáy kênh, làm xáo trộn môi trường nước, gây ra hiện tượng cá chết ở một số kênh trên địa bàn thành phố, nhất là ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Trước đó, chiều 22/4, mưa dông kèm theo lốc xoáy xuất hiện tại một số nơi ở quận Gò Vấp và Quận 12 làm hàng chục căn nhà bị tốc mái và một số căn bị sập tường làm nhiều đồ đạc, thiết bị điện tử bị ướt và hư hỏng; một số khu vực được cắt điện để đảm bảo an toàn. Phần lớn những căn nhà bị tốc mái là nhà tạm bợ được lợp bằng tôn. Tuy nhiên, các địa phương sẽ hỗ trợ người dân một phần chi phí để khắc phục sự cố, lợp lại mái kiên cố.../.