Chiều ngày 21/12, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tổ chức buổi họp báo thông tin về các hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía bắc.
Theo Tổng cục Hải quan, đến sáng ngày 21/12, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma là 4.461 xe, giảm 137 xe so với ngày 20/12.
Tại tỉnh Quảng Ninh, khu vực cầu Bắc Luân II và lối mở Cầu phao Km 3+4 thuộc thành phố Móng Cái còn tồn 346 xe chờ xuất khẩu, giảm 79 xe so với ngày 15/12. Khu vực phía cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc), dự kiến có 289 xe của Việt Nam đã làm thủ tục xuất cảnh sang Đông Hưng - Trung Quốc để nhận hàng chở về Việt Nam.
Tại khu vực Lối mở Cầu phao Km3+4, hàng hóa nông lâm thủy sản không thay đổi, tuy nhiên lượng hàng hóa tồn đọng còn rất lớn. Đến nay, lượng xe tồn tại khu vực này là 1.188 xe, giảm 169 xe so với ngày 15/12, chủ yếu là hàng thủy hải sản đông lạnh còn lại là hàng nông sản.
Nhận định khách quan nguyên nhân ùn tắc tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh Trần Quang Trung cho biết một phần do doanh nghiệp nắm bắt thông tin tại một số cửa khẩu của Việt Nam-Trung Quốc (Hữu Nghị - Lạng Sơn, Tân Thanh-Lạng Sơn) thường xuyên xuất nông sản đang có tình trạng ùn tắc dẫn đến lượng lớn phương tiện vận chuyển hàng hoá này chuyển hướng đến Móng Cái làm thủ tục dẫn đến tăng lượng xe tồn chờ làm thủ tục.
Đối với tỉnh Lào Cai, phía Trung Quốc thông báo đóng cửa khẩu Bắc Sơn là cửa khẩu đối đẳng với cửa khẩu Kim Thành- Lào Cai và kiểm soát chặt đối với hàng nông sản của Việt Nam với nguyên nhân phát hiện dịch bệnh COVID-19 trên xe chở hàng lạnh (xe thanh long) từ ngày 18/7.
Từ ngày 28/8, các mặt hàng chuối xanh, mít được xuất khẩu trở lại. Do vậy, hàng hóa xuất khẩu không dồn về các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai từ trước nên hiện tại không xảy ra tình trạng hàng xuất khẩu bị ách tắc, ùn ứ tại địa bàn tỉnh Lào Cai.
Các địa phương khác như Cao Bằng, Hà Giang và Điện Biên, Tổng cục Hải quan cho biết, cơ bản các địa phương này lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn không cao. Mặc dù có việc tăng cường kiểm soát của dịch COVID-19 từ phía Trung Quốc nhưng không ảnh hưởng lớn đến tốc độ thông quan hàng hóa trên địa bàn. Đặc biệt dọc tuyến biên giới Hà Giang tại các cửa khẩu Xín Mần, Săm Pun, Phó Bảng phía Trung Quốc cho xây hàng rào kiên cố hàng hóa không qua lại được.
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc là do phía Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 dẫn đến tình trạng lái xe hàng hóa qua lại khu vực biên giới hạn chế, có những cửa khẩu chỉ đáp ứng từ 20- 25% so với lưu lượng thông quan hàng hóa so với bình thường.
Đặc biệt, có địa phương cơ quan chức năng phía Trung Quốc tăng cường biện pháp chống dịch ở mức cao hơn, yêu cầu thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa tại cặp cửa khẩu Tân Thanh- Pò Chài và cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị- Hữu Nghị Quan theo hướng lái xe chuyên trách điều khiển xe sang phía Trung Quốc giao hàng và yêu cầu lái xe phải đi về trong ngày, niêm phong cabin xe, lái xe không được xuống xe và phải tiêm đủ 2 mũi vaccine; đồng thời thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR định kỳ 3 ngày/lần.
Để tập trung chống dịch, phía Trung Quốc chuyển một số cán bộ kiểm dịch hải quan sang hỗ trợ kiểm soát người Trung Quốc nhập cảnh về nước ăn Tết nên lực lượng hải quan giải quyết thủ tục hàng hóa hiện nay rất mỏng.
Đáng chú ý, chính quyền thành phố Đông Hưng có thông báo sẽ tạm dừng làm thủ tục thông quan cho người, hàng hóa qua cửa khẩu Đông Hưng (gồm cả khu mậu dịch cặp chợ biên giới) từ 0h ngày 21 tháng 12 năm 2021, thời gian thông quan cụ thể sẽ có thông báo sau.
Về phía Việt Nam, ông Âu Anh Tuấn cho biết, nguyên nhân là do nông sản của các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch và một số lệnh của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hiệu lực khiến lượng hàng hóa hoa quả, nông sản thực phẩm đổ dồn về các cửa khẩu biên giới phía Bắc chờ xuất khẩu sang Trung Quốc để tránh chính sách của Trung Quốc trước ngày 1/1/2022.
Bên cạnh đó, khi Trung Quốc đưa ra thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu trước và sau Tết nguyên đán 14 ngày đối với xe lạnh để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết càng gây áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa lên cửa khẩu để kịp xuất khẩu trước thời gian trên.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới có thể xảy ra do phía Trung Quốc thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát phục vụ phòng chống dịch COVID–19, ông Âu Anh Tuấn cho biết, ngay từ tháng 6/2021, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới khẩn trương tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu biên giới. Mặt khác, giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, Cục Hải quan các tỉnh biên giới phía bắc đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn và tại cửa khẩu bố trí, phân công cán bộ phối hợp phân luồng, điều tiết phương tiện vận chuyển hàng hoá xuất khẩu đảm bảo vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu, vừa an toàn trong phòng chống dịch và ưu tiên phân luồng dành riêng cho các mặt hàng xuất khẩu dễ hư hỏng.
“Hải quan các địa phương đã phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi tại khu vực cửa khẩu bố trí địa điểm và tạo điều kiện cho việc bảo quản, phân loại chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp trong thời gian chờ xuất khẩu. Đồng thời cho phép doanh nghiệp gửi hàng hóa xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan cần bảo quản vào các kho lạnh tại khu vực cửa khẩu. Trường hợp có thay đổi thông tin hàng hóa so với nội dung khai trên tờ khai hải quan thì hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai sửa đổi, bổ sung theo quy định”, ông Âu Anh Tuấn nói.
Ông Âu Anh Tuấn cũng cho biết, lực lượng hải quan cũng đã bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục ngoài giờ hành chính, tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp xuất khẩu và phối hợp các lực lượng Biên phòng, Công an điều tiết giao thông cho xe ra vào nhằm hạn chế ùn tắc tại các cửa khẩu.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan báo cáo và đề xuất Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Công Thương đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu; nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng, đơn vị tại cửa khẩu phía Trung Quốc như: hải quan, kiểm dịch, doanh nghiệp dịch vụ vận tải nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư về việc giảm tỷ lệ kiểm tra kiểm dịch, xây dựng cơ chế để kiểm tra nhanh các chứng thư kiểm dịch động thực vật và thống nhất cơ chế giám sát an toàn thực phẩm đối với các lô hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, bộ này đàm phán mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật với các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc nhằm mở rộng danh mục sản phẩm nông sản, thủy sản cũng như bổ sung danh sách doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này.
Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Bộ Ngoại giao đàm phán, trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc đảm bảo việc thực hiện theo đúng Hiệp định thương mại biên giới giữa 2 nước đã ký kết để hoạt động thương mại biên giới phát triển lành mạnh, liên tục và ổn định. Trường hợp khi có thay đổi về chính sách đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cần thông báo trước ít nhất 10 ngày trước khi áp dụng để phía Việt Nam có thời gian chuẩn bị.
Đối với UBND các tỉnh biên giới phía Bắc đề nghị chỉ đạo sở, ngành trực thuộc theo chức năng phối hợp kiểm soát, tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, lưu thông, mua bán hàng hóa, trao đổi thương mại biên giới. Về lâu dài, các tỉnh biên giới cần quy hoạch các khu vực xây dựng các kho chuyên dụng bảo quản hàng nông sản, hoa quả tại các cửa khẩu.
Thùy Dương