Nằm tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh và là cửa ngõ kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với Đông Nam bộ, Long An đặt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Với vị trí chiến lược, Khu kinh tế cửa khẩu Long An giáp với nước bạn Campuchia được kỳ vọng là điểm đến có sức hút đầu tư, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.
Động lực phát triển
Đề cập về chiến lược phát triển của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được cho biết, Long An đã được quy hoạch thành 3 vùng rõ rệt. Đối với vùng 1, tỉnh định hướng phát triển vùng an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và kinh tế cửa khẩu. Đây cũng là vùng đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp chế biến.
Vùng 2 là vùng đệm sinh thái giữa vùng 1 và vùng 3, được bao bọc bởi hai dòng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, định hướng phát triển các dự án năng lượng tái tạo và đô thị sinh thái ven sông. Vùng 3 gồm các huyện tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh được quy hoạch phát triển đô thị vệ tinh và các khu, cụm công nghiệp.
Trong đó, Khu kinh tế cửa khẩu Long An đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể vào năm 2015 với tổng diện tích là 13.080 ha, bao gồm một phần thị xã Kiến Tường, các huyện Mộc Hóa và Vĩnh Hưng. Tại khu kinh tế này có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, cửa khẩu phụ Long Khốt, Khu công nghiệp cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, Khu thương mại dịch vụ, Khu vực phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao...
Theo Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, ông Nguyễn Thành Thanh, với vị trí nằm trong khu vực biên giới giáp Campuchia, là cửa ngõ quốc tế phía Tây của tỉnh Long An, nằm trên Quốc lộ 62, kết nối với trung tâm vùng Đồng Tháp Mười, Khu kinh tế cửa khẩu Long An có rất nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, góp phần tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thêm vào đó, trong mối liên hệ vùng, Khu kinh tế cửa khẩu được Long An xác định là khu trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, động lực phát triển của tiểu vùng phía Tây của tỉnh, là đầu mối giao thông vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quốc tế, đầu mối giao thương kết nối với các tiểu vùng sông Mekong.
Khẳng định về tiềm năng, thế mạnh của các khu kinh tế cửa khẩu; trong đó có Khu kinh tế cửa khẩu Long An, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rẳng, sự hình thành và phát triển của khu kinh tế cửa khẩu sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành nghề sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần cao đời sống người dân vùng biên. Đồng thời, thông qua hoạt động của kinh tế của khẩu, các sản phẩm nông nghiệp của từng địa phương nói riêng, cả nước nói chung sẽ chiếm lĩnh thị phần của đa dạng thị trường.
Ưu đãi đầu tư
Chú trọng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh; trong đó có khu kinh tế cửa khẩu, theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được, tỉnh đặc biệt quan tâm cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh tại Long An.
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Long An trong những năm qua luôn đứng trong top 10 của cả nước. Qua đó cho thấy, tỉnh đã có những biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp rất tốt.
Trên cơ sở lợi thế, Long An tập trung thu hút đầu tư ở một số lĩnh vực cụ thể như: Hợp tác phát triển các dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo máy, sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp chế biến; các dự án công nghiệp xanh, các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển đô thị - bất động sản gần Thành phố Hồ Chí Minh. Tỉnh cũng tập trung xây dựng và hoàn thiện các công trình cấp, thoát nước, phát triển hệ thống logistics, dịch vụ chất lượng cao gắn với Cảng Long An...
Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An Nguyễn Thành Thanh cho biết, tỉnh đưa ra nhiều chính sách ưu đãi rất hấp dẫn như: nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khi đầu tư các dự án trong Khu kinh tế cửa khẩu sẽ được hưởng chế độ ưu đãi đầu tư cụ thể là Thuế thu nhập doanh nghiệp: Thuế suất 10% áp dụng trong 15 năm; miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo cùng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về lĩnh vực đầu tư, đất đai, đặc biệt, đối với các dự án nông nghiệp, nông nghiệp kỹ thuật cao mà tỉnh hiện rất quan tâm thu hút các nhà đầu tư.
Cũng theo ông Thanh, hiện nay, tại Khu kinh tế cửa khẩu đã có 2 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đó là: Dự án của Công ty TNHH Tainan Enterprises (Việt Nam) - doanh nghiệp đầu tư ngành may mặc với quy mô diện tích 16,9 ha, tổng vốn đầu tư của dự án là 65 triệu USD và Dự án Nhà máy sản xuất giày nữ thời trang cao cấp của Công ty TNHH Victory International (Việt Nam) với tổng vốn đầu tư là 10 triệu USD, quy mô diện tích 4,29 ha và 2 dự án trong nước thuê 0,66 ha đất.
Nói về lý do quyết định đầu tư tại Khu công nghiệp Khu kinh tế cửa khẩu Long An, ông Chen Ponien - Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Victory International (Việt Nam) chia sẻ: Việc đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu Long An là do đã nghiên cứu, tìm hiểu từ trước và được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện tốt nhất theo quy định của Việt Nam.
Hiện, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, doanh nghiệp đã hoạt động bình thường trở lại với khoảng 1.000 công nhân đang làm việc, dự kiến trong tháng 11 là khoảng 1.200 công nhân đến làm việc và xem như doanh nghiệp đã hồi phục và duy trì sản xuất gần 100%.
Ông Chen Ponien chia sẻ thêm, nếu tình hình thuận lợi, công ty sẽ đầu tư xây thêm nhà xưởng. Trước đây, công ty đã muốn xây thêm nhà xưởng, nhưng do tình hình dịch bệnh nên tạm dừng. Khi xây thêm nhà máy, dự kiến số lượng công nhân sẽ tăng từ 1.200 công nhân lên thành 2.000- 2.500 công nhân.
Đồng quan điểm, ông Eric Chen - Giám đốc công ty TNHH Tainan Enterprises (Việt Nam) cho biết, công ty lựa chọn đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu Long An do kỳ vọng nơi đây sẽ phát triển thành một khu công nghiệp hiện đại, kết nối giao thông thuận tiện với các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam và nước bạn Campuchia. Do công ty cũng có một chi nhánh tại Campuchia, cách Khu kinh tế cửa khẩu Long An đúng bằng khoảng cách từ đây về cảng Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện công ty đã khôi phục sản xuất được khoảng 80% và đã có đơn hàng đến hết quý một năm sau.
Ông Eric Chen cho biết thêm, nếu có đủ nguồn nhân lực và hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông thuận lợi, đáp ứng yêu cầu, công ty chắc chắn sẽ mở rộng nhà máy./.
Bùi Giang - Thanh Trà - Hưng Bình