Mở hướng phát triển cho các làng nghề truyền thống

Mở hướng phát triển cho các làng nghề truyền thống
Bên đê hữu dòng sông Thao, Làng Nón xã Sơn Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ vốn nổi tiếng với những sản phẩm nón lá thanh tú, bình dị, bền đẹp. Tuy là nghề phụ, nhưng lại mang về thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Nghề làm nón đã và đang giúp cho những người nông dân xã Sơn Nga có một cuộc sống no ấm, đầy đủ. Ông Nguyễn Hải Ba, khu 1, xã Sơn Nga chia sẻ, để giữ gìn và phát triển nghề làm nón truyền thống, năm 2009, xã Sơn Nga được công nhận Làng nghề nón lá truyền thống. Khi đã được công nhận, người dân làng nghề nón Sơn Nga càng chú trọng nhiều hơn tới từng công đoạn để nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Chị Nguyễn Thị Phương, khu Quang Trung, thợ làm nón lành nghề, có kinh nghiệm hơn 30 năm ở Làng Nón xã Sơn Nga cho hay, bây giờ, người chọn nón để đội không còn nhiều. Vì thế, một chiếc nón vài năm trước bán được từ 70.000 – 80.000 đồng/chiếc thì giờ chỉ còn 50.000 đồng thậm chí xuống còn 30.000 đồng/chiếc. Tuy thu nhập chẳng đáng bao nhiêu, nhưng cứ nghĩ đến việc gìn giữ nghề truyền thống cho con cháu sau này, nên chị quyết tâm giữ nghề. 

Làng nghề truyền thống ủ ấm xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao vào thời còn hưng thịnh có tới hàng nghìn hộ làm nghề ủ ấm, nhưng nay toàn xã chỉ còn gần 20 hộ theo nghề. Sắp tới, nhiều nhà sẽ bỏ nghề này, phần vì sức khỏe không còn, phần vì thu nhập quá thấp nên nhiều người dân không còn tha thiết với nghề. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Hảo, người sống gần cả đời làm nghề ở xã Sơn Vi cho biết, trong tình hình khó khăn như hiện nay, làng ủ ấm Sơn Vi đang bế tắc đầu ra và thu nhập của người lao động thấp. Sản phẩm mang tính chất thủ công nên hình thức không bắt mắt, không đủ sức cạnh tranh với nhiều loại sản phẩm trên thị trường đã khiến nhiều người dân bỏ nghề truyền thống. Hiện, Sơn Vi chỉ có những lớp người ở tuổi “ngoại tứ tuần” như ông Hảo vẫn còn theo nghề và cố gắng gìn giữ nghề truyền thống. 

Phát triển ngành nghề nông thôn là một trong những nội dung lớn của tỉnh Phú Thọ nói chung và của UBND các huyện, thành, thị nói riêng trên cả nước trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ngoài những làng nghề phát triển ổn định, tỉnh Phú Thọ còn có không ít những làng nghề, làng có nghề nhưng phát triển chậm, gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh…nên kết quả sản xuất kinh doanh hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, là việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ đang là trở ngại đối với hầu hết các làng nghề. Bởi hiện nay, người nông dân phải tự tìm kiếm thị trường cho sản phẩm làm ra, hoặc phải có tư thương đến mua nên thường xuyên bị ép giá, dẫn đến khó khăn trong việc tiêu thụ. 

Ông Hoàng Ngũ Hổ, Chủ tịch UBND xã Sơn Nga cho biết, Sơn Nga là xã đặc biệt khó khăn, nên không có việc hỗ trợ vốn để phát triển làng nghề, dẫn đến khó khăn trong việc mở rộng phát triển làng nghề để duy trì nghề truyền thống. Ngoài ra, việc quảng bá cho sản phẩm chỉ dừng lại ở những hội chợ quy mô nhỏ, nếu có vươn xa hơn thì vẫn bán chậm, bởi xu thế hiện nay là người dân không thích sử dụng nón lá. Do vậy, để làng nghề phát triển, ngưòi dân Sơn Nga rất mong muốn được Nhà nước tạo điều kiện và các chính sách hỗ trợ để phát triển làng nghề; nhất là ưu tiên hỗ trợ, tìm kiếm thị trường ngoài nước; đầu tư nâng cấp mạng lưới đường giao thông để thúc đẩy phát triển sản xuất, giao lưu thương mại và nâng cao thu nhập cho người dân... 

Để đưa các làng nghề truyền thống thoát khỏi tình trạng khó khăn, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho các làng nghề. Theo đó, từ nay đến 2020, tỉnh sẽ tập trung bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống trọng điểm; đồng thời đặt ra mục tiêu, mỗi năm cấp bằng công nhận từ 4 đến 6 làng nghề mới. Thêm nữa, sẽ gắn phát triển làng nghề với khai thác tốt tiềm năng du lịch, mở rộng xuất khẩu; trong đó, lấy du lịch làm động lực để kích thích, bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề, tạo việc làm mới và nâng cao thu nhập cho người dân. 

Ông Ngô Trọng Mỹ, Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho hay, trong thời gian tới, để bảo tồn và phát triển tốt các làng nghề đã được công nhận, cũng như xây dựng các làng nghề mới, các địa phương tiếp tục thực hiện các cơ chế khuyến khích, động viên, hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm duy trì và từng bước mở rộng phát triển làng nghề. Đồng thời, củng cố phát triển các cơ sở kinh tế hộ, khôi phục các ngành nghề truyền thống để thu hút và tạo việc làm cho nhiều lao động. Thêm nữa, các địa phương cũng chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm; từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm và tập trung khai thác nguồn nhân lực tại chỗ./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm