Chiều 3/4, Trường Đại học Sư phạm (thuộc Đại học Huế) phối hợp với Học viện Eurasia vì Hạnh phúc và An lạc (ELI) tổ chức khai mạc Hội nghị chuyên đề quốc tế về Trường học hạnh phúc lần thứ nhất với chủ đề "Có thể học được kĩ năng kiến tạo hạnh phúc không?".
Hội nghị thu hút khoảng 300 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục và giáo viên tham gia Dự án Trường học hạnh phúc và những người thực hành mô hình Trường học hạnh phúc ở trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, năm 2014, UNESCO khởi xướng Dự án Trường học hạnh phúc và đến năm 2016 đã ban hành 22 tiêu chí hướng dẫn đánh giá Trường học hạnh phúc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức phát động và hướng dẫn xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc. Đây là sự khởi đầu cho một quá trình phát triển lâu dài. Vì vậy, ngành giáo dục cần nghiên cứu, khảo sát để hình thành những mô hình Trường học hạnh phúc hiệu quả.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định, Trường học hạnh phúc và xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc luôn là vấn đề được ngành đặc biệt quan tâm. Quá trình xây dựng dự thảo chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định "giáo dục là vì con người và hạnh phúc con người"; trong đó chú trọng đến giải pháp xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc và phát triển các mô hình Trường học hạnh phúc.
Tại Hội nghị, các nhà nghiên cứu khoa học, hoạch định chính sách và các chuyên gia đã cùng chia sẻ, thảo luận về quá trình xây dựng Trường học hạnh phúc; đánh giá đa chiều và toàn diện về lĩnh vực sức khỏe tinh thần trong khuôn khổ hệ thống giáo dục và trường học; đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp để hình thành các cơ chế, chính sách đưa "hạnh phúc và an lạc" của giáo viên, học sinh vào các chính sách và chiến lược của ngành Giáo dục.
Các đại biểu cho rằng, thế giới đang đối mặt với nhiều biến động như biến đổi khí hậu, thay đổi môi trường sinh thái, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và cuộc tái cơ cấu hoàn toàn thị trường lao động. Mô hình giáo dục hiện nay cũng đang ứng phó với nhiều thách thức, cần tư duy lại về vai trò, phương pháp và chức năng của giáo dục để có thể trang bị cho thế hệ trẻ những kỹ năng và năng lực cần thiết nhằm đáp ứng các thách thức này. UNESCO xác định rằng, hạnh phúc của trẻ em và học sinh là ưu tiên quan trọng cho tất cả các nước thành viên, tập trung vào sự an lạc của giáo viên và học sinh là bước tiến mạnh mẽ hướng đến việc tái tư duy về hệ thống giáo dục.
Chủ tịch Hiệp hội Eurasia, Giáo sư Hà Vĩnh Thọ chia sẻ, khái niệm hạnh phúc trong Trường học hạnh phúc bao gồm 3 yếu tố. Đó là: dạy cho học sinh biết cách quan tâm, chăm sóc bản thân; sống hòa thuận và quan tâm đến người khác, đến xã hội; sống hài hòa với thiên nhiên, hành tinh. Giáo sư Hà Vĩnh Thọ cho rằng, để hình thành Trường học hạnh phúc, vấn đề quan trọng đầu tiên là xây dựng các cơ chế, chính sách ở tầm quốc gia cũng như ở từng địa phương để hỗ trợ cho sự phát triển hạnh phúc của con người; chú trọng đào tạo giáo viên nhằm trang bị sự hiểu biết, kiến thức, kỹ năng giúp họ chú ý chăm sóc hạnh phúc và sức khỏe của tất cả học sinh.
Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) Lê Hoàn Châu cho biết, quá trình triển khai mô hình Trường học hạnh phúc, nhà trường chú trọng tập huấn cho giáo viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tạo dựng được Trường học hạnh phúc; đồng thời tích hợp, lồng ghép các nội dung xây dựng Trường học hạnh phúc trong các buổi ngoại khóa, hoạt động tập thể chung của đơn vị, của khối và các lớp. Nhà trường quan tâm cải tạo cảnh quan thiên nhiên trường, lớp; phối hợp với cha mẹ học sinh để đồng hành trong mọi hoạt động, giúp học sinh nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực, xây dựng tính tự chủ, trách nhiệm, biết quản lý cảm xúc và xây dựng mối quan hệ hợp tác với bạn bè, thầy cô để nhân lên những niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống và học tập.
Tường Vi