Những tín hiệu vui từ mô hình "Trường học hạnh phúc" tại Yên Bái

Những tín hiệu vui từ mô hình "Trường học hạnh phúc" tại Yên Bái

Sau một năm thí điểm, đến nay, mô hình “Trường học hạnh phúc” đã được tỉnh Yên Bái triển khai rộng khắp, bước đầu thu được những kết quả tích cực, góp phần hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong trường học.

Những tín hiệu vui từ mô hình "Trường học hạnh phúc" tại Yên Bái ảnh 1 Tiêu chí giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và bồi đắp tâm hồn đẹp, cao thượng cho các em luôn được nhà Nhà trường quan tâm, chú trọng. Ảnh: Tiến Khánh-TTXVN

Nhiều thay đổi trong ứng xử giữa thầy và trò

Là một trường Trung học Phổ thông có bề dày thành tích hơn 50 năm, thầy giáo Nguyễn Mạnh Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An, huyện Văn Yên cho biết, bước đầu mô hình "Trường học hạnh phúc" đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động về giá trị đạo đức, rèn luyện kỹ năng ứng xử sư phạm của đội ngũ giáo viên và học sinh. Nhà trường đang dần tạo lập môi trường thực sự thân thiện, tôn trọng, cùng lắng nghe, để học sinh luôn cảm thấy tự tin bộc lộ, phát huy tốt nhất tinh thần sáng tạo, tính tự giác trong học tập và cảm thấy phấn chấn, hào hứng mỗi khi đến trường.

Cùng chung quan điểm, cô giáo Hà Thị Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu chia sẻ, từ khi triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc”, nhiều cuộc đối thoại trực tiếp, thẳng thắn giữa giáo viên và học sinh đã diễn ra, giúp cả thầy và trò có nhiều thay đổi trong nhận thức. Đặc biệt, tình yêu thương, gần gũi, chia sẻ giữa thầy và trò, giữa các học trò được trân trọng hơn, sâu sắc hơn. Bên cạnh sự thay đổi phương pháp truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ sống cho học sinh, trường còn chú trọng giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và bồi đắp tâm hồn đẹp, cao thượng cho các em.

Những tín hiệu vui từ mô hình "Trường học hạnh phúc" tại Yên Bái ảnh 2Trường phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Trạm Tấu là một trong số sáu trường học trên địa bàn huyện thực hiện mô hình "Trường học hạnh phúc" năm học 2021-2022. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Đánh giá kết quả cảm nhận sự hài lòng của học sinh, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái đã phát phiếu tự đánh giá cho tất cả học sinh và phụ huynh, cùng 73 cán bộ, giáo viên sau một năm thí điểm mô hình “Trường học hạnh phúc”. Kết quả cho thấy, trên 97% học sinh được thầy cô lắng nghe, thấu hiểu, quan tâm và được tôn trọng. 96,5% học sinh cảm thấy hạnh phúc khi tới trường. 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên cảm thấy hạnh phúc, trong đó 80% cảm thấy rất hạnh phúc. 92% phụ huynh phối hợp chặt chẽ, đồng thuận và hài lòng với nhà trường.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Quang Hợp, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Huệ khẳng định, mỗi giáo viên của trường là một cán bộ tư vấn tâm lý, ngày càng hoàn thiện những kỹ năng cơ bản, cần thiết như, lắng nghe, đặt câu hỏi, tư vấn, chia sẻ, cảm thông... và giúp học sinh vượt qua những khó khăn mà các em phải đối mặt trong quá trình học tập. Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm là người nhận diện ra những khó khăn tâm lý mà học sinh thường gặp phải, để từ đó cùng tìm ra những biện pháp hỗ trợ tâm lý kịp thời cho các em.

Những tín hiệu vui từ mô hình "Trường học hạnh phúc" tại Yên Bái ảnh 3 Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy và học luôn được Nhà trường quan tâm, đầu tư. Ảnh: Tiến Khánh-TTXVN

Nhận xét về kết quả bước đầu triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái Vương Văn Bằng chia sẻ, trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, việc xây dựng "Trường học hạnh phúc" là quyết tâm lớn của ngành Giáo dục Yên Bái. Từ đây sẽ lan tỏa những tín hiệu tích cực về môi trường giáo dục "yêu thương, an toàn và tôn trọng", thể hiện sự nỗ lực không ngừng đổi mới để đáp ứng tốt hơn những yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hiện thực hóa khát vọng xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Chuẩn hóa thành những tiêu chí cụ thể

Yên Bái là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai xây dựng "Trường học hạnh phúc” khá đồng bộ, bài bản với phương châm lấy học sinh làm trung tâm của hoạt động giáo dục, phát huy tính tích cực, chủ động, năng lực sáng tạo của học sinh. Đặc biệt, các trường chú trọng giáo dục lý tưởng, bồi đắp "đức, trí, thể, mỹ” gắn với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Để có căn cứ triển khai thực hiện mô hình "Trường học hạnh phúc” thống nhất trên toàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu, ban hành Bộ tiêu chí tạm thời với 20 tiêu chí, chia thành 3 nhóm gồm: Môi trường nhà trường (8 tiêu chí); tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục (6 tiêu chí); các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường (6 tiêu chí).

Những tín hiệu vui từ mô hình "Trường học hạnh phúc" tại Yên Bái ảnh 4Yên Bái là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai xây dựng "Trường học hạnh phúc” khá đồng bộ, bài bản với phương châm lấy học sinh làm trung tâm của hoạt động giáo dục. Tiến Khánh - TTXVN

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái Đào Anh Tuấn chia sẻ, Bộ tiêu chí tạm thời được xây dựng, đúc rút qua một năm triển khai thực hiện thí điểm từ các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh. 3 nhóm mục tiêu chính là xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn; thúc đẩy cán bộ, giáo viên, học sinh chủ động, tích cực đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động dạy và học; xây dựng các mối quan hệ hài hòa trong và ngoài nhà trường để thầy cô và học sinh đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi đến trường.

Nhờ đó, năm học 2021 - 2022, tất cả 9/9 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh đã có cơ sở triển khai xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc” tại 136/452 trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông với bộ tiêu chí cụ thể. Trong đó, 100% các trường đạt chuẩn quốc gia và các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố Yên Bái tiên phong tổ chức, triển khai thực hiện mô hình này.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên Nguyễn Xuân Quang tin tưởng cho biết, trên cơ sở Bộ tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc” và điều kiện thực tế của địa phương, ngành Giáo dục huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như đẩy mạnh công tác tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của thầy và trò; đổi mới phương pháp giáo dục, tăng cường giáo dục kỹ năng; tạo dựng môi trường ứng xử lành mạnh, đề cao sự chia sẻ yêu thương.

Cùng với đó, việc đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập để đáp ứng nhu cầu dạy và học đã được huyện quan tâm, nhất là đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thể thao, hội thảo, đối thoại giữa thầy và trò... Hiện nay, 7 ngôi trường đang thực hiện mô hình “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn huyện Lục Yên đều đánh giá là những ngôi trường xanh, sạch, đẹp, hiện đại và thân thiện.

Để đến năm 2025 có 100% “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh cho biết, mục tiêu xây dựng “Trường học hạnh phúc” đã giúp nhiều trường học trên địa bàn tỉnh không chỉ lan tỏa những giá trị yêu thương, an toàn trong học đường mà còn trở thành điểm tựa vững chắc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Việc xây dựng "Trường học hạnh phúc" ở các trường học trên địa bàn tỉnh cũng chính là để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân trong tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm