Mô hình trường bán trú ở Nguyên Bình

Mô hình trường bán trú ở Nguyên Bình
Nguyên Bình có 20 xã, thị trấn, trong đó có 14 xã đặc biệt khó khăn. Do địa hình chia cắt, dân cư phân bố không đều, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 95%. Phong tục tập quán mỗi dân tộc mang sắc thái riêng rất đa dạng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Học sinh Trường Tiểu học bán trú xã Triệu Nguyên (Nguyên Bình) trong giờ tập thể dục.
Học sinh Trường Tiểu học bán trú xã Triệu Nguyên (Nguyên Bình) trong giờ tập thể dục.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác dạy và học, từ năm 2010, ngành Giáo dục huyện Nguyên Bình đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện những giải pháp đẩy mạnh thực hiện mô hình bán trú, nhằm tạo điều kiện cho học sinh (HS) được học tập, sinh hoạt tại nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục và giảm thiểu tình trạng bỏ học, duy trì, giữ vững kết quả phổ cập của huyện. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên của ngành luôn có ý thức, trách nhiệm cao, bám trường, bám lớp, hết lòng vì HS. Cùng với việc Nhà nước đã có một số chính sách đầu tư tập trung cho các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), các trường vùng khó khăn, trường trọng điểm; có chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng HS và giáo viên trực tiếp giảng dạy, mô hình bán trú đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, giúp HS có điều kiện tốt hơn trong  học tập. 

 Việc phát triển mạng lưới trường PTDTBT đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện xây dựng dựa trên hướng dẫn khung Đề án Chuyển đổi, xây dựng trường PTDTBT giai đoạn 2011 - 2015 của Sở Giáo dục và Đào tạo. Từ năm 2012, đã tổ chức thẩm định 3 trường THCS và hoàn thiện thủ tục, đến năm 2015 đã có Quyết định của UBND huyện Nguyên Bình về việc chuyển đổi sang loại hình trường PTDTBT (gồm các trường THCS: Mai Long, Phan Thanh, Ca Thành). Năm học 2015 - 2016, toàn huyện đã chuyển đổi được 10 trường PTDTBT, trong đó có 3 trường tiểu học, 7 trường THCS, 2.934 HS bán trú, với 122 phòng học.

Trong 5 năm qua, các trường PTDTBT được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn hỗ trợ, xây dựng các hạng mục đáp ứng nhu cầu: Phòng học, nhà bán trú, giường, nhà tắm, nhà bếp, nhà ăn... Đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ các hoạt động sinh hoạt cho HS bán trú bao gồm hệ thống sân chơi, bãi tập, trang thiết bị thể dục thể thao, sách báo, văn hóa phẩm… Trong đó, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Vietinbank hỗ trợ 8 tỷ 300 triệu đồng; Dự án THCS vùng khó khăn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ xây nhà ăn Trường PTDTBT Phan Thanh 440 triệu đồng; các doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ bữa ăn cho HS bán trú trên 100 triệu đồng; các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tài trợ lương thực, đồ dùng phục vụ cho nhu cầu học tập của HS 500 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng các công trình vệ sinh, công trình nước sạch trên 400 triệu đồng... Ngoài ra, các trường học làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân huy động 2.000 công lao động xây dựng nhà ăn, bếp ăn bán trú cho HS Trường THCS Thành Công... 

Để các hoạt động đem lại hiệu quả, huyện yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể ngay từ đầu năm học, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, giáo viên trong các trường PTDTBT đảm bảo việc giáo dục HS nội trú về giờ giấc học tập và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, lao động, giúp HS phát triển toàn diện. Giữ gìn khu nội trú sạch sẽ, mỹ quan và nền nếp, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá cho HS. Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Nguyên Hà Văn Thành cho biết: Hiện trường có 79/86 HS được hưởng chế độ bán trú. Qua triển khai thực hiện mô hình bán trú cho HS, các em có điều kiện học tập tốt hơn, khắc phục được tình trạng bỏ học; đặc biệt các HS nhà cách xa trường từ 7 - 10 km. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, có chế độ ăn tại trường, các em đã yên tâm học tập tốt hơn, không còn tư tưởng bỏ học. 

Qua thực hiện mô hình bán trú, các trường đã nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện của HS, chất lượng dạy và học năm sau cao hơn năm trước. Các trường PTDTBT cấp tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày, đạt 100%; trường PTDTBT cấp THCS đảm bảo cho HS học tập các buổi chiều và tham gia các hoạt động của nhà trường, duy trì tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày, đạt 98%. Thực hiện đầy đủ các nội dung về các hoạt động văn hóa dân tộc, giáo dục thể chất, thể thao và các chương trình rèn kỹ năng sống cho HS trong các trường PTDTBT, thực hiện đầy đủ các chế độ cho giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ bộ môn, nâng cao chất lượng công tác phong trào trong các nhà trường. HS được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại trường học có kế hoạch cụ thể. Đặc biệt, nhiều trường có nhiều hình thức hoạt động sinh động thu hút HS tham gia và phát huy bản sắc dân tộc của từng địa phương. 

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguyên Bình Vũ Văn May chia sẻ: Từ sự nỗ lực của các cấp, ngành, huyện Nguyên Bình đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học chống mù chữ từ năm 2001. Đến năm 2015, toàn huyện có 62 trường học, trong đó có 19 trường mầm non, 20 trường tiểu học, 2 trường PTCS, 17 trường THCS, 2 trường THPT có hai cấp học, 1 trường THPT. Trong thời gian tới, Phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện xây dựng đề án phát triển trường PTDTBT giai đoạn 2015 - 2020. Đầu tư cho các trường dự kiến xây dựng trường PTDTBT, tăng cường việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục tại địa phương.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm