Trong thời gian qua, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã có nhiều sáng kiến hay, mô hình thiết thực giúp đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mô hình “Ánh sáng vùng biên” là một trong những cách làm sáng tạo và hiệu quả của những chiến sỹ quân hàm xanh Quảng Bình nơi biên cương xa xôi trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cùng bà con nhân dân vùng biên giới xã Hóa Sơn phấn khởi khánh thành công trình "Ánh sáng vùng biên" tại địa phương. Ảnh: Võ Dung -TTXVN
Đồn Biên phòng Cà Xèng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình được giao quản lý, bảo vệ hơn 34 km đường biên với 7 mốc quốc giới; phụ trách địa bàn 2 xã Hóa Sơn và Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đặc thù địa bàn ở vùng biên giới, dân cư sinh sống phần lớn là đồng bào dân tộc, chủ yếu là người Chứt, Rục, Sách…, vì thế đời sống còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 19,8%.
Thiếu tá Nguyễn Trung Chính, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: Để chia sẻ khó khăn với đồng bào dân tộc nơi biên giới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, Đồn đã vận động cán bộ, chiến sĩ đơn vị ủng hộ kinh phí, kêu gọi các nguồn lực xã hội và tham gia ngày công, triển khai xây dựng các công trình điện đường của mô hình “Ánh sáng vùng biên” trên địa bàn hai xã Hóa Sơn và Thượng Hóa, huyện Minh Hóa.
Đến nay, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã triển khai xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên” tại 9/14 thôn, bản thuộc hai xã phụ trách; với tổng chiều dài là 15km. Riêng đối với 3 thôn, bản Hóa Lương, Lương Năng và Tăng Hóa (xã Hóa Sơn) có tới gần 90% dân số là đồng bào dân tộc ít người, đời sống, dân trí rất hạn chế và thiếu thốn, với phương châm “3 bám, 4 cùng”, sẻ chia và thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con, đơn vị đã bắt tay triển khai thực hiện công trình vào tháng 9 vừa qua.
Quang cảnh buổi lễ bàn giao. Ảnh: Võ Dung -TTXVN
Thiếu tá Nguyễn Trung Chính cho biết, công trình “Ánh sáng vùng biên” tại 3 thôn, bản ở xã Hóa Sơn có chiều dài 4,1 km với 135 trụ điện, theo kế hoạch sẽ thực hiện trong 1,5 tháng. Quá trình thi công, đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là địa hình vùng núi hiểm trở, thời tiết diễn biến bất lợi, ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng làm gián đoạn thời gian thực hiện. Các cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đã nỗ lực hết mình, vượt những khó khăn, thiếu thốn, được sự giúp sức của người dân địa phương, công trình “Ánh sáng vùng biên” đã hoàn thành trong thời gian 20 ngày, sớm hơn kế hoạch đề ra.
“Những ngày chúng tôi triển khai xây dựng các cột điện đường, bà con thương quý rồi góp sức vào làm, có nước chè ngon, có nồi sắn ngọt cũng san sẻ cho anh em chiến sỹ. Trước tình cảm của đồng bào, chúng tôi càng quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành công trình sớm nhất có thể để phục vụ bà con. Khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, thôn bản được thắp sáng, dân bản rất hào hứng và phấn khởi. Công trình đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, các vụ việc như đánh người gây thương tích, trộm cắp… giảm hẳn so với trước đây”, Thiếu tá Nguyễn Trung Chính cho biết thêm.
Lên vùng biên giới Hóa Sơn, huyện miền núi Minh Hóa, Quảng Bình những ngày này, nhìn những nụ cười tươi, những bước chân con trẻ vô tư nô đùa dọc tuyến đường bê-tông kiên cố có đèn đường chiếu sáng, chúng tôi cảm nhận rõ hơn niềm vui và sự hân hoan của người dân nơi đây khi có công trình điện đường “Ánh sáng vùng biên” của Bộ đội Biên phòng Quảng Bình. Không khí làng quê rộn ràng, bà con khắp các bản làng, từ già đến trẻ ai nấy đều thấy “sướng cái bụng”, phấn khởi thi đua lao động, học tập, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa tinh thần, thôn bản ngày càng văn minh phát triển.
Trưởng bản Cao Xuân Hoành, xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, Quảng Bình vui mừng bày tỏ: “Khi hệ thống đèn đường bật lên, bà con từ làng trên xóm dưới tụ họp ra đường vui chơi, ca hát đến tận khuya mới về ngủ. Vui lắm, phấn khởi lắm. Từ nay có điện đường chiếu sáng rồi, bà con quyết tâm chăm chỉ lao động, tăng gia sản xuất, dạy bảo con cháu chăm ngoan học giỏi để bản làng khởi sắc hơn và khỏi phụ lòng của Đảng, Nhà nước và Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã quan tâm, giúp đỡ”.
Đồng bào vùng biên vui mừng, phấn khởi khi Công trình “Ánh sáng vùng biên” được hoàn thành và đi vào sử dụng. Ảnh: Võ Dung -TTXVN
Trên tuyến biên giới Quảng Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện được 18 công trình đường điện “Ánh sáng vùng biên”, với tổng chiều dài trên 29km, trị giá gần 1 tỉ đồng. Các công trình điện đã góp phần kiến tạo bộ mặt nông thôn với nhiều gam màu tươi sáng, xây dựng thế trận biên phòng vững chắc nơi biên cương của Tổ quốc.
Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết: Từ hiệu quả của công trình và sự mong muốn của đồng bào nơi biên giới, thời gian tới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục căn cứ vào nhu cầu thực tế, nguồn kinh phí huy động được cũng như các điều kiện vật chất khác để xây dựng các công trình, bảo đảm chất lượng, mỹ quan và an toàn trong vận hành. Cùng với việc nhân rộng thực hiện mô hình “Ánh sáng vùng biên”, đơn vị sẽ nghiên cứu, triển khai thực hiện các mô hình, cách làm thiết thực, ý nghĩa để góp phần giúp nhân dân trên tuyến biên giới ngày một phát triển, văn minh; tiếp tục đồng hành, sát cánh với lực lượng biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn đường biên, cột mốc, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới quốc gia.
“Ánh sáng vùng biên” là một trong những mô hình có ý nghĩa thiết thực đối với nhân dân ở khu vực biên giới, nhất là trong điều kiện cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Với sự góp sức của lực lượng Bộ Đội Biên phòng Quảng Bình, sự hỗ trợ của lãnh đạo, chính quyền địa phương, trong thời gian không xa, những công trình “Ánh sáng vùng biên” sẽ tỏa sáng phục vụ đồng bào từ rẻo cao biên giới xa xôi về đến vùng biển, hải đảo thiêng liêng trên khắp nẻo quê hương. Có điện, có đường, cuộc sống đồng bào trên tuyến biên giới vơi bớt những khó khăn, nhọc nhằn. Công trình tuy không lớn nhưng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần gắn kết tình quân dân keo sơn, bền chặt. Từ đây, quân – dân cùng đoàn kết một lòng quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.
Võ Dung
TTXVN