Sau 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), tại những bản làng biên giới miền Tây Nghệ An, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia mà còn là lực lượng nòng cốt trong việc củng cố hệ thống chính trị, giúp đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên.
Giúp dân phát triển kinh tế
Vượt qua nhiều cung đường quanh co khó đi, chúng tôi đến Đồn Biên phòng Môn Sơn, đóng trên địa bàn xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An). Do là xã giáp biên, địa hình rừng núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt nên đời sống đồng bào dân tộc nơi đây thường gặp nhiều khó khăn. Để đồng bào yên tâm bám đất, bám biên, các cán bộ, chiến sĩ đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ đồng bào vươn lên phát triển kinh tế.
Đến với Cửa Rào, bản tái định cư của người Đan Lai ở xã Môn Sơn, chúng tôi nhận thấy một cuộc sống mới đang về với vùng đất này. Thực hiện phương châm "Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào", những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn đã trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn đồng bào cách chăm sóc, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. “Nhờ có bộ đội biên phòng hỗ trợ con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, dê nhà tôi đã sinh sản và bán được tiền. Gia đình tôi cám ơn bộ đội biên phòng nhiều lắm!”, chị La Thị Phượng, ở bản Cửa Rào vui vẻ chia sẻ.
Cán bộ, chiến sĩ quân y Đồn Biên phòng Hạnh Dịch phối hợp với Trạm y tế xã luôn quan tâm tới sức khỏe của đồng bào dân tộc trên địa bàn. Ảnh: An Văn Đạt
Rời xã Môn Sơn, chúng tôi đến Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch đã đến từng thôn, bản tuyên truyền, vận động, cấp phát, hướng dẫn đồng bào sử dụng khẩu trang, thực hiện vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh. Theo ông Hà Thanh Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hạnh Dịch, nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ biên phòng trên địa bàn không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia mà còn giúp dân nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, đồng thời từng bước phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo. Chính vì vậy, niềm tin của đồng bào với bộ đội biên phòng ngày càng được củng cố và vững chắc.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Nghệ An giúp bà con đồng bào Đan Lai sửa chữa lại nhà bị hư hỏng. Ảnh: An Văn Đạt
Bộ đội Biên phòng Nghệ An giúp đồng bào Đan Lai mở rộng đường sá để thuận lợi cho bà con đi lại. Ảnh: An Văn Đạt
VUN ĐẮP TÌNH QUÂN DÂN
Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã có nhiều việc làm thiết thực. Đến nay, tập thể cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tham gia giúp dân 1.736 ngày công lao động; thu hoạch và chăm sóc 57,25 ha hoa màu; nạo vét, đào mới 26,2 km kênh, mương thủy lợi; làm mới và tu sửa được 42,85 km đường giao thông nông thôn; hướng dẫn đồng bào ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, từng bước xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống…
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Nghệ An hướng dẫn trẻ em học bài, củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19. Ảnh: An Văn Đạt
Hưởng ứng chương trình “Nâng bước em đến trường”, tập thể cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã nhận đỡ đầu 107 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thực hiện Chỉ thị 681/CT-BTL của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị phân công 575 đảng viên giúp đỡ gần 3.000 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, 20 đơn vị cơ sở phối hợp với các ngành chức năng tổ chức giúp đỡ đồng bào triển khai Đề án xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn nái địa phương sinh sản, đồng thời cung cấp 484 con giống cho 242 hộ gia đình khu vực biên giới phía Tây Nghệ An... Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Nghệ An còn thường xuyên thăm hỏi, động viên và tặng quà các đối tượng chính sách, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt người, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Quân dân cùng tuần tra, bảo vệ biên giới. Ảnh: An Thành Đạt
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Nghệ An cùng bà con sinh hoạt văn hóa, góp phần bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng biên. Ảnh: An Thành Đạt
Trên mảnh đất còn nhiều gian khó, bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả, những người lính mang quân hàm xanh đã thực sự trở thành điểm tựa, là chỗ dựa tinh thần cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Với tinh thần và trách nhiệm của mình, họ đã góp phần quan trọng vào công tác xoá đói, giảm nghèo, củng cố vững chắc tình quân dân nơi miền Tây xứ Nghệ.
Hoàng Tâm – An Văn Đạt – Nguyễn Oanh