Bằng tình yêu cháy bỏng với những câu hò, điệu ví quê hương, Nghệ nhân Ưu tú Đặng Thị Minh Nguyệt (sinh năm 1947, ở phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh) hơn nửa đời người luôn miệt mài với những làn điệu dân ca. Đến nay, đã gần 80 tuổi nhưng bà Nguyệt vẫn tích cực “giữ lửa” dân ca ví giặm, trao truyền và sáng tạo những giá trị tinh thần mới cho thế hệ trẻ.
Lớn lên bằng lời ru của bà, của mẹ, tình yêu dân ca luôn cháy bỏng trong cô gái trẻ Minh Nguyệt. Năm 1968, bà làm Bí thư Đoàn xóm Bình Minh, xã Thạch Bình và gia nhập câu lạc bộ dân ca. Giữa những năm tháng chiến tranh gian khổ, tiếng hát của bà Đặng Thị Minh Nguyệt và các thành viên trong câu lạc bộ đã động viên tinh thần của quân và dân địa phương.
Chiến tranh kết thúc, bà Nguyệt đi học nghề y, công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh và tham gia đội văn nghệ của ngành Y tế Hà Tĩnh. Thời điểm đó, với năng khiếu soạn lời của mình và từ thực tế những thành tựu của ngành Đông y Hà Tĩnh, bà Nguyệt đã soạn lời cho tổ khúc dân ca ví, giặm ca ngợi những người thầy thuốc Đông y. Bài hát sau đó đã được lan tỏa mạnh mẽ trong ngành Y tế Hà Tĩnh và được nhiều người yêu thích.
Năm 1994, sau khi nghỉ hưu, bà Nguyệt càng có nhiều thời gian hơn để theo đuổi đam mê của mình. Năm 2014, với mong muốn tạo ra một không gian để những người yêu dân ca ví giặm có thể giao lưu, học hỏi và cùng nhau giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, bà Nguyệt đã thành lập câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm phường Tân Giang.
Ban đầu, câu lạc bộ chỉ có 15 thành viên, chủ yếu là những người lớn tuổi, nhưng bằng sự tâm huyết của Chủ nhiệm Đặng Thị Minh Nguyệt, câu lạc bộ ngày càng phát triển, thu hút thêm nhiều thành viên mới, trong đó có cả những bạn trẻ. Từ năm 2014 đến nay, câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm phường Tân Giang thường xuyên tổ chức các buổi tập luyện, tham gia các cuộc thi, truyền dạy và góp phần tạo nên phong trào sinh hoạt văn hóa sôi nổi tại địa phương.
Bà Phan Thư Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh chia sẻ: Tuy tuổi cao, nhưng hiện nay Nghệ nhân Ưu tú Minh Nguyệt vẫn là tấm gương sáng về việc nỗ lực gìn giữ và bảo tồn di sản Dân ca Ví, Giặm ở thành phố Hà Tĩnh. Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm phường Tân Giang do Nghệ nhân Ưu tú Minh Nguyệt chủ nhiệm là nòng cốt tiêu biểu trong phong trào hát dân ca ở Hà Tĩnh. Câu lạc bộ đã tham dự nhiều cuộc thi, hội diễn và đạt nhiều giải thưởng xuất sắc như giải Nhất tập thể Liên hoan các Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm toàn tỉnh năm 2020; giải Nhì Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh năm 2016…
Ở vai trò là người truyền dạy dân ca ví, giặm, bà Nguyệt là một người thầy tận tâm. Câu lạc bộ của bà vì thế thu hút nhiều em nhỏ ở các địa phương khác đến tham gia sinh hoạt. Theo lời mời của các trường học, bà Nguyệt còn thường xuyên về dạy dân ca cho các em học sinh. Nhiều em có tố chất và giọng hát dân ca hay được bà phát hiện, rèn giũa như em Đan Nguyên (hiện là sinh viên Đại học Huế), cháu Lê Quỳnh Như, 10 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Thạch Văn, huyện Thạch Hà.
Bên cạnh việc biểu diễn, bà Nguyệt còn sáng tác và biên soạn nhiều làn điệu dân ca mới, phù hợp với thị hiếu của khán giả hiện đại, góp phần làm giàu thêm kho tàng dân ca ví, giặm của quê hương.
Nghệ nhân Ưu tú Đặng Thị Minh Nguyệt chia sẻ: "Soạn lời mới cho dân ca cũng là một cách để dân ca trường tồn trong đời sống hiện đại. Bên cạnh việc am hiểu về các làn điệu, tôi cũng phải tìm hiểu và có vốn kiến thức nhất định thì lời bài dân ca được soạn ra mới thực sự mang hơi thở cuộc sống".
Bà Nguyệt bày tỏ, dân ca là một phần không thể thiếu của cuộc sống, là linh hồn của dân tộc, cầu nối giữa các thế hệ. Qua những làn điệu dân ca, chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu quê hương, đất nước, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì vậy, để bảo tồn dân ca, không chỉ cần có tài năng mà còn cần có sự tâm huyết, lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm.
Để dân ca ví giặm ngày càng tỏa sáng, nhất là trong cuộc sống hiện đại như ngày nay, nhiều loại hình âm nhạc mới thu hút giới trẻ, Nghệ nhân Ưu tú Đặng Thị Minh Nguyệt mong muốn các câu lạc bộ, nghệ nhân dân gian sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ xã hội. Bà hy vọng giới trẻ sẽ dành nhiều thời gian hơn để khám phá các làn điệu dân ca cổ truyền của dân tộc, khi đó các em sẽ yêu thích và đam mê dân ca. Nghệ nhân Ưu tú Minh Nguyệt cũng mong muốn, mỗi trường học sẽ có một câu lạc bộ dân ca, lan tỏa dạy và học dân ca trong trường học chính là cách làm hiệu quả nhất để giữ gìn văn hóa dân tộc.
Hoàng Ngà