Các loài cá tại vùng biển ngoài khơi Mayotte, Pháp. Ảnh: AFP - TTXVN |
Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) mới đây đã đưa ra lời cảnh báo trên trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) đang diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha, nhằm hoàn tất nội dung cho Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để hiệp định có thể được triển khai năm 2021.
Theo IUCN, hiện có khoảng 700 điểm trên toàn cầu được xác định là có lượng ôxy thấp, tăng so với 45 điểm vào những năm 60 của thế kỷ trước. Trong cùng giai đoạn này, số lượng vùng nước không có ôxy đã tăng gấp 4 lần. Các đại dương hấp thu khoảng 1/4 lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, do nhu cầu về năng lượng tiếp tục gia tăng trên toàn cầu, nhiều chuyên gia lo ngại rằng các đại dương trên thế giới có thể tới điểm bão hòa, tức là không hấp thu được khí thải nữa.
Với tốc độ tiêu thụ năng lượng hiện nay, lượng ôxy trong các đại dương trên thế giới được cho là sẽ sụt giảm từ 3-4% vào năm 2100. Tuy nhiên, phần lớn lượng sụt giảm này được dự báo diễn ra ở độ sâu 1.000 mét - là phần phong phú nhất của đại dương về đa dạng sinh học.
Theo quyền Giám đốc IUCN, Grethel Aguilar (Grê-then A-gui-la), khi nước biển ấm lên làm sụt giảm lượng ôxy và đẩy trạng thái cân bằng của sinh vật biển có nguy cơ rơi vào hỗn loạn. Các loài cá lớn như cá ngừ, cá marlin, cá mập... vốn đã nằm trong các loài động vật bị đe dọa, lại rất nhạy cảm với môi trường lượng ôxy thấp do kích cỡ lớn của chúng và cần nhiều ôxy hơn để tồn tại. Tuy nhiên, lượng ôxy trong đại dương sụt giảm cũng đang tác động đến các loài trong toàn chuỗi thực phẩm. Các quần thể sinh vật hỗ trợ khoảng 1/5 sản lượng đánh bắt cá hiện nay của thế giới được hình thành nhờ các dòng chảy đại dương đưa nước ít oxy vào bờ biển. Những loài này đặc biệt dễ bị tổn thương, thậm chí đối với sự thay đổi nhỏ ôxy trong nước biển.
Đại dương đang bị đe dọa do nhiệt độ Trái Đất ấm lên, tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và ô nhiễm rác thải nhựa. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, phần diện tích đại dương bị axít hóa cao hơn 26% so với trước thời kỳ tiền công nghiệp do các hoạt động phát thải gia tăng của con người.
Theo cố vấn về khoa học hải dương thuộc IUCN, Dan Laffoley (Đan La-phô-li), để ngăn chặn sự gia tăng các khu vùng biển nghèo ôxy, các nước cần quyết liệt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như giảm tình trạng ô nhiễm do hoạt động sản xuất nông nghiệp và các ngành khác gây ra.
Minh Châu