Lung linh sắc màu bốn phương hội tụ nơi đất Tổ Hùng Vương

Lung linh sắc màu bốn phương hội tụ nơi đất Tổ Hùng Vương
Dù ai đi ngược về xuôi 
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba 

Câu ca ấy bao đời nay vẫn in sâu trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam. Dù ở nơi đâu, cứ đến ngày Giỗ Tổ, hàng triệu người con trên khắp mọi miền Tổ quốc, kiều bào sinh sống ở nước ngoài lại cùng nhau hành hương về đất Tổ, thắp nén hương thành kính, tri ân công đức tổ tiên. 
Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ năm 2017. Trong ảnh: Nghi thức tế tổ do đội tế xã Chu Hóa thực hiện. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN
Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ năm 2017. Trong ảnh: Nghi thức tế tổ do đội tế xã Chu Hóa thực hiện. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018, do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chủ trì với sự tham gia của 4 địa phương gồm: Thái Nguyên, Quảng Nam, Bình Dương và Kiên Giang. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay diễn ra trong 5 ngày, từ 21 - 25/4 (tức từ mùng 6 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch). 

Phần lễ gồm: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng diễn ra từ 6 giờ 30 phút ngày 20/4; Lễ giỗ Đức quốc Tổ Lạc Long Quân diễn ra từ 6 giờ 00 đến 7 giờ 45 phút ngày 21/4; Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ diễn ra từ 8 giờ 15 phút đến 9 giờ 30 phút ngày 21/4; Lễ rước kiệu về Đền hùng của các xã, phường vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng diễn ra từ 7 giờ 00 đến 8 giờ 30 phút ngày 23/4. 

Đặc biệt, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại Đền Thượng từ 6 giờ 30 phút ngày 25/4/2018 (tức 10/3 âm lịch). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Thọ. 

Các địa phương nơi có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương dâng hương cùng thời gian tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ dâng hương tại Đền Thượng lúc 6 giờ 30 phút ngày 10/3 âm lịch theo nghi lễ truyền thống. 

Về phần hội: không gian Lễ hội năm nay được trải rộng từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến thành phố Việt Trì gồm: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố được tổ chức tại khu vực sân khấu quảng trường Hồ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì. Chương trình Lễ hội đường phố năm nay có quy mô mở rộng với sự tham gia của các xã, phường trên địa bàn thành phố Việt Trì và một số địa phương trên địa bàn tỉnh. 

Đoàn rước kiệu của các xã, thị trấn thuộc vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN
Đoàn rước kiệu của các xã, thị trấn thuộc vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018 được tổ chức vào 20 giờ ngày 21/4/2018 (tức ngày 6/3 âm lịch) tại sân khấu Quảng trường Hồ công viên Văn Lang với sự tham gia của các tỉnh tham gia tổ chức. Kết thúc chương trình là màn bắn pháp hoa tầm thấp vào hồi 21 giờ 30 phút ngày 21/4/2018 tại bờ hồ công viên văn Lang. 

Trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra nhiều hội thi văn hóa thể thao truyền thống; Hội thi Bơi chải Việt Trì mở rộng trên hồ Công viên văn Lang; Hội bơi chải truyền thống trên sông Lô…và chương trình Hát Xoan làng cổ gắn liền với điểm du lịch văn hóa được tổ chức tại miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô; trưng bày tư liệu về Di sản Hát Xoan tại miếu Lãi Lèn; Liên hoan hát Xoan thanh thiếu nhi thành phố Việt Trì lần thứ V… 

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ khẳng định, công tác tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng ngày càng được hoàn thiện, trở thành mô hình tổ chức lễ hội tiêu biểu không chỉ của tỉnh Phú Thọ mà trong cả nước, thu hút đồng bào cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hướng về đất Tổ. Thông qua lễ hội các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, thuần phong mỹ tục được phát huy, góp phần duy trì thực hành, truyền dạy và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương, củng cố tinh thần đoàn kết, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Lễ hội được tổ chức tạo điều kiện tốt cho công tác bảo tồn di tích, đồng thời phát huy vai trò, giá trị của di tích trong đời sống cộng đồng. 

Theo ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018, Ban tổ chức quyết tâm đảm bảo tuyệt đối an toàn và thực hiện “5 không” tại Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay. Theo đó 5 không là: Không có tình trạng ùn tắc giao thông; không để xảy ra tình trạng kinh doanh, dịch vụ với giá cả mang tính “chặt chém”; không có người ăn xin; không để xảy ra các hành vi mang tính phản cảm; không để mất vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ban tổ chức công khai số điện thoại đường dây nóng tại các địa điểm xung quanh khu vực Đền Hùng để tiếp nhận nhanh nhất thông tin phản ánh của nhân dân và du khách (số 0210.3860.026 hoặc 0210.6551.666). 

Ban tổ chức đề nghị, lực lượng Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải khảo sát các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ liên quan, xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo giao thông từ xa đối với các phương tiện tham gia lễ hội và tổ chức thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc, tai nạn giao thông trong thời gian diễn ra lễ hội... 

Ngành chức năng của tỉnh Phú Thọ tập trung cao độ, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động dịch vụ bán hàng, cơ sở dịch vụ phục vụ đồng bào về dự lễ hội. Ban tổ chức yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết niêm yết công khai giá một số dịch vụ, mặt hàng trong khu vực Đền Hùng và thành phố Việt Trì. Lực lượng chức năng có biện pháp quyết liệt ngăn chặn tình trạng ép giá, tăng giá bất hợp lý; không để xảy ra tình trạng hàng quán chèo kéo khách... 

Ban tổ chức cũng yêu cầu Khu Di tích lịch sử Đền Hùng phối hợp với các đội kiểm tra liên ngành kịp thời phát hiện, nhắc nhở các du khách  có trang phục phản cảm khi lên khu vực Đền Hùng thực hiện đúng quy định. 

Sở Y tế tỉnh Phú Thọ tăng cường kiểm tra việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh tại các khu vực tổ chức lễ hội; kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, phun thuốc phòng chống dịch bệnh tại khu vực Đền Hùng nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân về dự lễ hội. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và thực hành của người quản lý, chủ cơ sở, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm về an toàn thực phẩm. Lực lượng chức năng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm và kiểm tra việc thực hiện quy định về bao gói, nhãn mác sản phẩm; tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với các nhà hàng, khách sạn, cơ sở chế biến, quán ăn...nhằm không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Tạ Văn Toàn 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm