Lửa và nước vốn có tự ngàn đời, một tín ngưỡng phồn thực mang đậm nét dân gian và hiện đại. Người dân bản địa vùng Tây Nguyên coi bến nước đầu làng là hình ảnh đẹp nhất, nơi sinh hoạt chung của mọi người. Ở nơi đó họ hẹn hò, nói chuyện thời tiết, cách làm ăn. Người ta tôn trọng bến nước, nơi có dòng suối đầu nguồn được giữ gìn sạch sẽ. Có lẽ vì thế mà hiện tượng Vua Nước vẫn còn tồn tại và giữ mãi đến nay hơn 6 thế kỷ là điều không xa lạ.
Đêm lửa trại tại Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Krông Nô lần thứ IV, năm 2014. Ảnh: Hồ Mai |
Ở người cao nguyên họ biết cách chọn nơi làm bến nước, cách xây dựng bến nước, cách sử dụng bầu đựng nước, giữ nước... không chỉ biết sử dụng, mà còn là điều gì đó, một chút bí ẩn về tìm hiểu, khám phá nơi có nguồn nước, đặt bến nước, cách canh tác. Bến nước cũng là một tác phẩm đẹp của buôn làng, một cách biểu hiện cách lấy nước, giữ nước, dùng nước cũng thật sinh động.
Người Tây Nguyên cũng coi lửa là một nguồn gốc của sự hạnh phúc, nó giữ ấm ngôi nhà, hong giữ thức ăn dành lại, hay biểu hiện một sự no đủ. Bởi thế, các ngôi nhà của người vùng núi nơi này lại luôn có hai cái bếp, một bếp ở gian khách, một ở gian bếp nấu ăn.
Phải chăng, từ xa xưa nhu cầu sưởi ấm trong không khí đại ngàn rừng rậm, hoang vu, chống lại muỗi vắt... kể cả các loài thú dữ, khi người ta biết chúng sợ ngọn lửa. Ta mường tượng một buôn làng nào đó no đủ, bình yên mà không có khói bếp lam chiều tỏa ám cả không khí, từ xa khách lạ cũng có thể biết nơi ấy có người sinh sống...
Bếp lửa ở gian khách luôn giữ một hòn than đỏ suốt đêm ngày. Khi thì nó là ngọn lửa sưởi ấm gian nhà, khi thì bếp lửa nấu nướng món ăn đãi và sưởi ấm phòng khách. Khi thì nó là cái cục than bùi nhùi cho gia đình mang theo lên rẫy nấu nướng, mồi thuốc... Cuộc sống mới có nhiều thay đổi, nhiều ngôi nhà chỉ còn một bếp ở gian bếp; nhưng nhìn chung gian bếp khách vẫn còn lưu lại khá đậm nét trong cuộc sống.
Các dân tộc Giẻ - Triêng, Xê Đăng vẫn có phong tục giữ đống củi là lễ hứa hôn, phải chăng đó là sự thử thách tính siêng năng của người chủ sau này (thường là nữ). Câu chuyện bó củi hứa hôn của người Giẻ - Triêng, vùng Bắc Tây Nguyên như sau: Người con gái khi lên tuổi mười ba, mười bốn đã phải biết mang theo củi về nhà mỗi khi đi rẫy về.
Thứ củi được chọn để dành là củi tốt. Cứ thế đống củi nhiều lên theo năm tháng. Họ quan niệm khi lấy chồng, họ cũng chia một phần củi cho gia đình nhà chồng, mang theo về nhà chồng... Số lượng củi càng nhiều thì càng chứng tỏ sức khỏe và sự siêng năng của cô gái đó. Bếp lửa còn cho biết tình nghĩa vợ chồng “cơm lành, canh ngọt”, sưởi ấm một cuộc sống vợ chồng giữ gìn hạnh phúc cho đến hết tuổi già. Nó giữ mãi sự ấm nồng của tình yêu con trai, con gái, vợ chồng, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Theo baodaknong.org.vn