![]() |
"Nhà trăm cột" ở Long An có kết cấu theo theo kiểu xuyên trính hay còn gọi là kiểu nhà rường, một kiểu kiến trúc vững chắc mang đậm phong cách Huế xưa. Ảnh: Trường Giang - TTXVN |
Qua thực hiện xã hội hóa, nhân dân đã đóng góp hàng tỷ đồng vào việc trùng tu, tôn tạo di tích, nhất là đối với các di tích gắn liền với tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa… Đối với di tích cấp tỉnh, hơn 80% di tích lịch sử cách mạng đều được đầu tư kinh phí để xây dựng các công trình tôn tạo như bia, đài kỷ niệm… Song song với công tác trùng tu, tôn tạo, việc phát huy tác dụng của các di tích cũng được Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Long An thực hiện tốt bằng nhiều biện pháp như tuyên truyền, quảng bá di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn, ấn phẩm… để thu hút khách tham quan đến Long An. Ngành Văn hóa tỉnh Long An tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác với các cơ quan nghiên cứu khoa học, các bảo tàng trong nước và quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, ngành Văn hóa tỉnh Long An cũng triển khai các chương trình, đề án nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu của tỉnh; tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh và nguồn xã hội hóa để triển khai chống xuống cấp, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản đã được xếp hạng. Ngành Văn hóa tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành cơ chế, chính sách xã hội hóa trong việc khôi phục và phát triển loại hình di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực, trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian… và chính sách xã hội hóa bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa thuộc loại hình tôn giáo, tín ngưỡng lành mạnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn, phát huy các di sản văn hóa trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên.