Long An bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ

Long An bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ
Không gian tài tử tỉnh Long An tại Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ 2 năm 2017. Ảnh: baolongan.vn
Không gian tài tử tỉnh Long An tại Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ 2 năm 2017. Ảnh: baolongan.vn

Định kỳ vào 20 giờ tối thứ Năm hàng tuần, các nghệ nhân, nghệ sĩ thuộc Câu lạc bộ Đờn ca tài tử thành phố Tân An lại tụ họp ở một quán cà phê nhỏ trên địa bàn để giao lưu với giới hâm mộ. Trong không gian nhỏ nhắn, ấm cúng đó, khi từng lời ca, tiếng nhạc được ngân lên, những người tham dự cùng im lặng lắng nghe, hòa mình theo từng điệu nhạc. Mỗi nghệ nhân, nghệ sĩ luôn thể hiện các cung bậc cảm xúc khác nhau, khơi dậy cảm hứng cho người nghe mà đến khi buổi giao lưu kết thúc vẫn còn nhiều luyến tiếc. 

Nghệ nhân dân gian Hồng Cúc (tên thật là Trần Thị Cúc), Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử thành phố Tân An, cho biết: Buổi giao lưu định kỳ không chỉ là sân chơi để các nghệ nhân, nghệ sĩ giao lưu, học hỏi lẫn nhau, mà còn là nơi tụ họp nhiều người yêu thích bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử. Từ khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, phong trào đờn ca tài tử ở Long An nói riêng và các tỉnh, thành phố trong khu vực nói chung ngày càng phát triển. Hầu như khắp các phường, xã đều có các đội, nhóm đờn ca tài tử. Nhiều điểm sinh hoạt, giao lưu được mở ra chứ không bó hẹp như trước đây. 

Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam Bộ, luôn hiện diện tại các hoạt động lễ hội, liên hoan, giao lưu, vui chơi giải trí…, làm thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật của bản thân các tài tử và người dân hâm mộ từ xưa đến nay. Để góp phần quảng bá loại hình nghệ thuật đặc sắc này, đồng thời phục vụ du khách thập phương, đờn ca tài tử còn được biểu diễn trên các sân khấu hay các điểm đến du lịch. Điều kiện để truyền dạy, học và chơi đờn ca tài tử cũng dễ dàng thuận lợi nên đội ngũ người chơi không ngừng phát triển. 

Hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đờn ca tài tử, Nghệ nhân dân gian Hồng Cúc với mong muốn được truyền dạy những tinh hoa của bộ môn nghệ thuật này cho thế hệ sau, đã mở nhiều lớp giảng dạy thu hút nhiều người tham gia, từ các em học sinh, sinh viến đến nhiều cán bộ, viên chức... Trung bình mỗi năm, cô mở 3 lớp dạy với hơn 30 học viên theo học. Trong số đó, nhiều người đã thành danh như Hồ Nhật Tài, Trinh Tuyết Hương, Nguyễn Ngọc Hoàng Oanh... 

Nghệ nhân Hồng Cúc cho biết thêm: “Tôi mở các lớp học mục đích chính là để truyền bá loại hình nghệ thuật này đến với thế hệ trẻ, đồng thời mong muốn có thể phổ biến rộng rãi ra cộng đồng”. 

Cũng như nghệ nhân Hồng Cúc, nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tâm huyết trên địa bàn tỉnh Long An đã và đang tích cực truyền dạy bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử đến với các thế hệ trẻ. 

Là người sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nghệ nhân Tấn Khoa (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) nổi tiếng khắp nhiều tỉnh, thành phố ở Nam Bộ với những ngón đờn điêu luyện trên nhiều nhạc cụ khác nhau. Ngoài việc tham gia các hoạt động giao lưu, biểu diễn, ông còn nhiệt tình truyền dạy bộ môn đờn ca tài tử cho nhiều lớp học trò. Trong đó, có một lớp học đặc biệt ở ngôi trường mang tên Bồ Đề Phương Duy do chính ông và nghệ nhân Thành Tây (Thành phố Hồ Chí Minh) đứng lớp giảng dạy. Tại đây, 200 em nhỏ mồ côi không nơi nương tựa, hoàn cảnh khó khăn, ngoài việc học văn hóa, còn được học nhiều môn ngoại khóa, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử. Cứ đều đặn hai buổi mỗi tuần, suốt hơn hai năm qua, các em học sinh Trường Bồ Đề Phương Duy chăm chỉ tiếp thu các kiến thức, kỹ năng của nghệ thuật đờn ca tài tử. Các điệu ngũ cung, hò, xừ, xang, xê, cống.. đã thực sự lôi cuốn các em. 

Nghệ nhân Tấn Khoa cho biết: “Từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đờn ca tài tử được nhiều người nghe và yêu thích hơn. Giới trẻ trước đây dường như quay lưng thì nay các em đã tham gia, nhiệt tình học hỏi cả ca và đờn. Không chỉ lớp học ở Trường Bồ Đề Phương Duy, mỗi năm, tôi còn truyền dạy nhạc lễ, nhạc tài tử cho khoảng 20 học trò tại nhà. Là nghệ nhân nhiều năm trong lĩnh vực nghệ thuật này, tôi cảm thấy rất phấn khích, tự hào”. 

Trong suốt chiều dài hình thành và phát triển đờn ca tài tử Nam Bộ, Long An đã có những đóng góp tích cực trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo, đặc sắc của bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Mảnh đất này đã sinh ra nhiều nhạc sư, tài tử ca, tài tử đờn danh tiếng như: Chín Chiêu, Bảy Quế, Tư Bền, Năm Giai, Út Bù, Tấn Khoa, Hồng Cúc, Kim Thanh… Dấu ấn của những bậc thầy đi trước luôn được ghi nhận bởi sự thành công của những học trò để hôm nay trên mảnh đất tươi đẹp này, bao lớp nghệ nhân, nghệ sĩ cứ nối tiếp nhau, thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau, góp phần làm cho dòng chảy âm nhạc tài tử không ngừng tuôn chảy, hòa chung với dòng chảy của văn hóa nghệ thuật dân tộc từ đời này qua đời khác. 

Ông Nguyễn Thành Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An, cho biết: Là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử Nam Bộ, suốt nhiều năm qua, Long An đã tích cực bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này như xây dựng đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Long An”; sưu tầm, lưu trữ và xây dựng các tài liệu, tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục và tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; tổ chức các khóa đào tạo, chương trình giao lưu đờn ca tài tử giữa các địa phương… 

Đặc biệt, từ năm 1994 đến nay, cứ vào dịp lễ Húy kỵ nhạc sư Nguyễn Quang Đại (người được xem là một trong những ông tổ của đờn ca tài tử), Long An đều tổ chức chương trình Liên hoan Đờn ca tài tử tại đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước). Liên hoan thu hút ít nhất 5 Ban đờn ca tài tử trong tỉnh giao lưu với các Ban đờn ca tài tử của các tỉnh, thành phố trong khu vực đã tạo được tiếng vang và ấn tượng tốt đẹp đối với công chúng. Hiện nay, toàn tỉnh Long An có 220 câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử với gần 3.000 người tham gia sinh hoạt, đã phần nào nói lên sự phát triển mạnh mẽ của loại hình nghệ thuật này. 

Để những giá trị nghệ thuật độc đáo của di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Long An tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp như: Đề xuất các cấp, các ngành tăng cường nguồn lực, kinh phí để nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật đờn ca tài tử; có chính sách khen thưởng, hỗ trợ các nghệ nhân, nghệ sĩ, người truyền dạy đờn ca tài tử; khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng khôi phục và duy trì tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội có liên quan đến hoạt động đờn ca tài tử… Đồng thời, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến công chúng về loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; thúc đẩy việc truyền dạy đờn ca tài tử trong các chương trình ngoại khóa ở trường học; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn từ cơ bản đến nâng cao cho các đối tượng yêu thích loại hình nghệ thuật này./. 
Bùi Giang 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm