Liệu Nga có phá giá đồng ruble?

Liệu Nga có phá giá đồng ruble?
Mạng tin "Lenta.ru" (Nga) ngày 15/2 có bài viết cho rằng để bù đắp thâm hụt ngân sách của Liên bang Nga và cân bằng những tác động tiêu cực từ sự sụt giảm giá dầu mỏ, tỷ giá đồng ruble so với đồng USD cần phải cao hơn nữa.
Liệu Nga có phá giá đồng ruble? ảnh 1
Kiểm tiền ruble tại Moskva. Ảnh: Reuters/TTXVN
Nga không bị đe dọa vỡ nợ, với tổng số tiền nợ nước ngoài chỉ ở mức 50,1 tỷ USD, trong khi dự trữ ngoại hối đạt 371,6 tỷ USD. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những vấn đề đối với ngân khố.  Ngân sách liên bang năm 2016 được dự trù thâm hụt 2,4 nghìn tỷ ruble. Con số đó là chấp nhận được khi giá dầu Urals ở mức trung bình là 50 USD/thùng. Bộ Phát triển Kinh tế Nga ước tính với mức giá trung bình 40 USD/thùng, chênh lệch giữa thu và chi sẽ tăng lên 3,9 nghìn tỷ ruble. Để bù đắp mức thâm hụt ngân sách thì cần sử dụng Quỹ dự trữ. Và tất cả đều biết quỹ đó không phải là vô tận. Thư ký báo chí của Thủ tướng Nga, Natalia Timakova, cho biết thông tin về việc chuẩn bị phá giá đồng ruble là “hoàn toàn nhảm nhí”. Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nga đều trình bày một ý tưởng chung, nhấn mạnh sẽ không làm ảnh hưởng tới tỷ giá đồng ruble.  Nhà nước hứa sẽ không có bất cứ sự phá giá nào, chắc chắn và rõ ràng. Trong khi đó, nhà nước cũng không có nhiều điều kiện để có thể xoay chuyển. Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov nhấn mạnh giảm thâm hụt, thích ứng ngân sách với tình hình kinh tế hiện nay là những mục tiêu chính của chính phủ. Để đủ bù đắp thâm hụt cần sử dụng nguồn Quỹ dự trữ, vay tiền nước ngoài, tăng thuế, bán tháo tài sản nhà nước hoặc phá giá đồng ruble. Không ai biết điều gì sẽ tồi tệ nhất. Trong thời gian tới, nhà nước phải bằng cách này hoặc cách khác đối phó với vấn đề thâm hụt ngân sách.  Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của "Lenta.ru", các chuyên gia cho rằng đồng ruble đã sụp đổ và rất khó để có thể suy yếu hơn nữa. Nhà phân tích cao cấp của Công ty đầu tư “Veles Capitol” Yury Kravchenko cho biết: “Trên thực tế, Chính phủ Nga đã quyết định phá giá từ thời điểm thả nổi đồng ruble. Ở mức giá dầu hiện nay, tỷ giá 1 USD đổi không dưới 90 ruble là điều cần thiết đối với ngân sách quốc gia”.  Ông Kravchenko cũng cảnh báo với tỷ giá USD như vậy thì sẽ tồn tại rủi ro liên quan đến lạm phát. Ông nói thêm: “Ngoài ra, khi giá dầu giảm xuống chỉ còn từ 10-20 USD/thùng thì phá giá cũng sẽ chẳng giúp ích gì nữa”. Theo nhà phân tích vĩ mô của Ngân hàng Raiffeisenbank, Maria Pomelnikova, khi giá dầu duy trì ở mức 30 USD/thùng đến cuối năm nay thì tỷ giá so với đồng USD sẽ tăng lên 90 ruble. Như vậy, giá 1 thùng dầu sẽ là 2.700 ruble và theo các tính toán kinh tế thì với những con số như vậy cũng khá đủ để duy trì nguồn ngân sách dự trữ không bị cạn kiệt trong năm 2016.  Bà Pomelnikova nói: “Sự mất giá mạnh của đồng ruble là điều không mong muốn cho bất cứ kịch bản nào. Nếu đồng USD vượt quá 100 ruble sẽ xuất hiện rủi ro, có khả năng tăng tốc lạm phát, và đó chính xác là những gì Ngân hàng Trung ương đang làm hết khả năng để né tránh”.  Bà cũng nhận định sự tăng giá của đồng USD là điều nguy hiểm đối với cả Bộ Tài chính. Cơ quan này sẽ phải chi trả thêm các khoản chi phí xã hội và các chi phí khác quá cao. Một vài nguồn thu của nhà nước có thể được cải thiện nhờ vào sự mất giá của đồng ruble.  Chuyên gia này nhận định: “Với mức giá dầu như hiện nay, đồng tiền Nga theo thời gian sẽ giảm xuống 85 ruble/USD, nếu không muốn nói là lớn hơn”. Trước đó, hồi giữa tháng 1 vừa qua, Ngân hàng Bank of America đã công bố dự báo cho biết để có thể cân bằng thu-chi ngân sách quốc gia thì đồng USD phải có giá 210 ruble khi dầu có mức giá trung bình là 25 USD/thùng. Để duy trì mức thâm hụt như hiện nay - 3% GDP - tỷ giá đồng USD phải tăng lên mức 140 ruble/USD. Trước mắt, Chính phủ Nga có thể sẽ không phá giá đồng tiền quốc gia và áp dụng các khả năng khác để bổ sung vào kho bạc. Ông Yury Kravchenko thuộc Công ty đầu tư Veles Capitol cho biết: “Để đối phó với thâm hụt ngân sách cần phải kết hợp một loạt biện pháp: tăng thuế, giảm chi tiêu xã hội và tăng nợ quốc gia. Cần sử dụng các biện pháp này hết sức thận trọng, tính toán đến ý kiến của người dân và giới thương nhân”.  Theo quan điểm của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiulina, trên thực tế, nhà chức trách đang cố gắng tránh phải sử dụng biện pháp làm suy yếu đồng ruble, mà ngược lại, đang muốn ổn định đồng ruble.

Có thể bạn quan tâm