Toàn cảnh Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ 17 Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN |
Tham gia Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ 17 có 25 đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ 27 huyện, thị xã, thành phố, với hơn 1.000 diễn viên, nghệ nhân dân gian và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, du khách trong và ngoài tỉnh tham gia. Trong suốt thời gian diễn ra Liên hoan, nhiều hoạt động biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, các trò chơi, trò diễn dân gian và trình diễn trang phục dân tộc cũng được tổ chức để phục vụ người xem, như trình diễn các tích, trò trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ hội; trình diễn các loại hình dân ca, dân vũ, các trò diễn dân gian tiêu biểu của từng dân tộc; hội thi thiếu nữ đẹp trong trang phục truyền thống...
Lễ hội Chá Mùn (huyện Lang Chánh). Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN |
Các tiết mục biểu diễn tại Liên hoan sẽ thể hiện nét đặc trưng của từng dân tộc, từng địa phương ở xứ Thanh, nêu bật tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào đối với quê hương, xứ sở. Tiêu biểu như múa đèn, tổ khúc dân ca Đông Anh (huyện Đông Sơn), hát Tú Huần (huyện Quảng Xương), trò Xuân Phả (huyện Thọ Xuân), múa hát Pồn Pông (huyện Ngọc Lặc), lễ hội Chá Mùn (huyện Lang Chánh), hát Khặp dân tộc Thái…mang đến cho công chúng cái nhìn đa chiều, đa diện về tiềm năng văn hóa, du lịch xứ Thanh.
Múa hát Pồn Pông (huyện Ngọc Lặc). Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN |
Nghệ nhân Phạm Thị Tắng, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc cho biết: "Đến với Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần này, huyện Ngọc Lặc mang theo trò diễn Pồn Pông để giới thiệu với công chúng gần xa. Pồn Pông là loại hình nghệ thuật không thể thiếu của người Mường, là lễ hội có từ xa xưa mang đậm bản sắc văn hoá Mường, bắt nguồn từ “Sử thi đẻ đất đẻ nước”. Pồn Pôông là lễ thưởng hoa, chơi hoa, thường được tổ chức vào mùa Xuân. Người Mường tổ chức lễ hội Pồn Pôông với mong muốn mùa màng bội thu, bản Mường no ấm, ngô lúa đầy bồ, con người hạnh phúc. Trò diễn Pồn Pông đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017".
Tiết mục múa đèn, tổ khúc dân ca Đông Anh (huyện Đông Sơn).
Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN
|
Còn theo ông Nguyễn Văn Tiệp, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương: "Trò diễn Tú Huần là một trong những sinh hoạt văn hóa dân gian và trong lễ thiết triều của ông cha ta. Mang trò Tú Huần đến với Liên hoan, những nghệ nhân xã Quảng Yên mong muốn sẽ có nhiều người biết thêm rằng trò Tú Huần không chỉ có ở Xuân Phả (huyện Thọ Xuân), mà trò Tú Huần còn được các nghệ nhân và nhân dân xã Quảng Yên lưu giữ đến ngày nay."
Tiết mục múa đèn, tổ khúc dân ca Đông Anh (huyện Đông Sơn).
Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN
|
Được tổ chức 2 năm một lần, Liên hoan Văn hóa các dân tộc Thanh Hóa lần thứ 17 là hoạt động văn hóa có ý nghĩa, là dịp để đồng bào các dân tộc trong tỉnh Thanh Hóa được gặp gỡ, giao lưu, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Đây cũng dịp để các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công không chuyên, trao đổi, học tập kinh nghiệm, phát huy những tài năng, tìm ra lực lượng văn nghệ trẻ tiêu biểu của các dân tộc, từ đó có hướng giúp đỡ, bồi dưỡng trở thành hạt nhân nòng cốt trong việc giữ gìn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây thực sự là hoạt động tăng cường mối quan hệ giao lưu giữa các dân tộc anh em, cũng là cơ hội giới thiệu, tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể đa dạng, độc đáo của các vùng miền xứ Thanh.
Hoa Mai