Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất sẽ được tổ chức từ ngày 5 -7/1/2019 tại tỉnh Đắk Nông

Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất sẽ được tổ chức từ ngày 5 -7/1/2019 tại tỉnh Đắk Nông
Nghệ nhân trình diễn dệt thổ cẩm.tại Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Nghệ nhân trình diễn dệt thổ cẩm.tại  Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh Đắk Nông; đồng thời nhằm bảo tồn và phát huy hoa văn và trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng; giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về hoa văn, trang phục truyền thống, tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh Đắk Nông trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.
 
Người Chăm ở Ninh Thuận nỗ lực bảo tồn và khôi phục những hoa văn cổ trên các sản phẩm thổ cẩm. Ảnh: Trương Trãi
Người ChămNinh Thuận nỗ lực bảo tồn và khôi phục những hoa văn cổ trên các sản phẩm thổ cẩm. Ảnh: Trương Trãi

Theo bà Lê Thị Ngọc Hạnh, thổ cẩm của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chung rất đa dạng và phong phú về màu sắc, đường nét, đậm đà bản sắc, giàu biểu tượng, biểu đạt các giá trị nhân văn. Đây là di sản văn hóa quý giá cần được bảo tồn và phát triển, trước xu thế phát triển và hội nhập mang tính toàn cầu, văn hóa thổ cẩm đang bị mai một.

“Việc tổ chức Lễ hội không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân; động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của hoa văn, trang phục thổ cẩm truyền thống mà còn là cơ hội để các nghệ nhân giao lưu học hỏi kinh nghiệm và định hướng tạo thành một nghề bền vững có vị trí trong xã hội”, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh chia sẻ.

Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất năm 2018 gồm các hoạt động chính như: Triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông; Không gian thực nghiệm dệt thổ cẩm các dân tộc Việt Nam; Không gian Văn hóa ẩm thực các dân tộc Việt Nam; Không gian phục dựng nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; Biểu diễn nghệ thuật truyền thống các dân tộc; Triển lãm Công viên địa chât Việt Nam.

Bên cạnh lễ khai mạc hoành tráng diễn ra vào lúc 20h ngày 5/1/2019 với chương trình nghệ thuật đặc sắc, kết hợp được tính hiện đại và truyền thống, mới lạ nhằm tái hiện lại lịch sử hình thành, phát triển của các hình thái dân tộc Việt Nam, nêu bật sự phát triển của đất nước - dân tộc, khẳng định gốc rễ bản sắc văn hóa Việt Nam đồng hành với một nền văn minh thổ cẩm lâu đời. Trong chương trình Lễ hội còn có Hội thảo văn hóa thổ cẩm Việt Nam, Lễ hội đường phố, Trình diễn thời trang thổ cẩm ứng dụng…

Dịp này, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cũng giới thiệu về Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh với chủ đề “Đắk Nông – Tiềm năng và cơ hội đầu tư”, được tổ chức vào ngày 5/1/2019 tại tỉnh Đắk Nông với sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước. Tỉnh Đắk Nông sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư cho một số doanh nghiệp; đồng thời ký kết biên bản hợp tác đầu tư với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư cam kết dự kiến hơn 92.000 tỷ.
Nguyễn Bích Thủy
TTXVN

Có thể bạn quan tâm