Lễ hội Thành Tuyên - sản phẩm du lịch đặc sắc của Tuyên Quang

Lễ hội Thành Tuyên - sản phẩm du lịch đặc sắc của Tuyên Quang
Những mô hình đèn lồng khổng lồ được người dân xứ Tuyên chuyển hóa từ những câu chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, danh lam thắng cảnh. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
Những mô hình đèn lồng khổng lồ được người dân xứ Tuyên chuyển hóa từ những câu chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, danh lam thắng cảnh. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
Lễ hội Thành Tuyên - sản phẩm du lịch đặc sắc

Lễ hội Thành Tuyên - một lễ hội đặc sắc, riêng có, một sản phẩm du lịch độc đáo do chính nhân dân Tuyên Quang khởi xướng, phát huy và lưu giữ từ nhiều năm nay. Lễ hội Thành Tuyên không chỉ là lễ hội nổi bật ở Tuyên Quang, mà cũng là lễ hội Trung thu nổi tiếng nhất cả nước.

Bắt đầu từ Tết trung thu năm 2004, khi nhiều gia đình ở thành phố Tuyên Quang trang trí, cắt dán hình các con thú rồi kéo dọc theo các tuyến phố để phục vụ nhu cầu giải trí của trẻ em. Dần dần, nhà nọ học theo nhà kia, tổ này làm theo tổ khác, rồi lan rộng đến các phường, xã trong thành phố, đến tận các huyện… Vào những ngày lễ hội, trên khắp các trục đường chính của thành phố Tuyên Quang rộn ràng các mô hình đèn Trung thu với đủ màu sắc, hình dáng tạo không khí vui nhộn, thu hút đông đảo người dân, du khách cùng tham gia. Đam mê sáng tạo, hết lòng vì con trẻ, các nghệ nhân đã tạo nên những mô hình đèn Trung thu ý nghĩa.

Và từ năm 2014, lễ hội vui Tết Trung thu được nâng cấp thành lễ hội quy mô cấp tỉnh với tên gọi là Lễ hội thành Tuyên - một lễ hội độc đáo với những mô hình đèn Trung thu đa dạng, khổng lồ. Vì thế, Lễ hội Thành Tuyên được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận là “Lễ hội có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam”, “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”, “Cặp đôi đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam”.

Đến nay, hình thức tổ chức vui Tết Trung thu cho trẻ em ở Tuyên Quang ngày càng mở rộng, tạo nên dấu ấn đặc biệt và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Tuyên Quang. Đặc biệt, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hấp dẫn, Lễ hội Thành Tuyên không chỉ là ngày hội của riêng thiếu nhi nữa mà là ngày hội của toàn dân nơi đây. Đến nay, Lễ hội Thành Tuyên đã được xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh Tuyên Quang với cách thức tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, bài bản; các mô hình diễn diễu đặc sắc, thời gian diễn ra lễ hội dài và được gắn kết với sự kiện văn hóa cấp tỉnh cùng nhiều hoạt động hấp dẫn. Công tác xúc tiến, quảng bá thông qua nhiều hình thức, trong đó đầu tư xây dựng một trang web riêng www.lehoithanhtuyen.com.vn.... đã quảng bá, thu hút đông đảo khách du lịch và người dân. Hằng năm, lễ hội đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch, tạo cơ hội để Tuyên Quang quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, truyền thống văn hóa, lịch sử, hình ảnh đất và người Tuyên Quang.

Nét mới của Lễ hội Thành Tuyên năm nay là việc các tổ dân phố đăng ký, làm mô hình đèn Trung thu từ sớm với ý tưởng độc đáo, chất lượng nghệ thuật được đề cao. Thành phố tạo mọi điều kiện, khuyến khích nghệ nhân các tổ sáng tạo ra các mô hình hấp dẫn người xem và đã có khoảng 60 mô hình đèn Trung thu được đăng ký làm mới. Đặc biệt, Lễ hội Thành Tuyên năm 2019 sẽ được tổ chức cùng với Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với sự tham gia của 10 tỉnh, thành phố. Đây là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn, tôn vinh giá trị các di sản văn hóa, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị, khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo đó, 10 tỉnh, thành phố được mời tham gia trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Chầu Văn (Nam Định), Hát Trống Quân (Hưng Yên), Múa Bồng (Hà Nội), Hát Xoan (Phú Thọ), Dân ca Quan họ (Bắc Ninh), Trò diễn Xuân Phả (Thanh Hóa), Múa trống Chhay-dăm (Tây Ninh), Ca Huế (Thừa Thiên Huế), Xòe Thái (Sơn La), Cồng chiêng Tây Nguyên (Đắk Nông) và đơn vị chủ nhà (Tuyên Quang) với Di sản Then của đồng bào Tày, Lễ cấp sắc của người Dao… Qua Liên hoan nhằm góp phần tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về giá trị di sản đặc sắc của dân tộc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là hoạt động nhằm giới thiệu với nhân dân trong nước và quốc tế về hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa của Tuyên Quang, đặc biệt là giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa của quê hương cách mạng, "Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến". Đồng thời tiếp tục củng cố, xây dựng Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch mang tầm quốc gia, góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh Tuyên quang ngày càng phát triển.

Tạo đà cho du lịch phát triển bền vững

Trong những năm qua, hoạt động du lịch của Tuyên Quang đã có sự chuyển biển tích cực. Lượng khách du lịch đến Tuyên Quang ngày càng tăng; hoạt động du lịch phát triển đã tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần gìn giữ và bảo vệ cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Xác định du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính đa ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại, an ninh quốc phòng và giữ gìn môi trường sinh thái... Tỉnh tuyên Quang đã tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, nông nghiệp chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế và du lịch. Một số sản phẩm du lịch của tỉnh đang khẳng định thương hiệu, như: Du lịch lễ hội; du lịch lịch sử, văn hóa; Du lịch tâm linh: hình thành thương hiệu “Vùng đất linh thiêng”, “Miền đất mẫu”... Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng....

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được thực hiện với nhiều hình thức, quy mô lớn hơn và đã có hiệu quả nhất định; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, cách mạng và văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch được quan tâm; công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch ngày càng được đẩy mạnh; nhiều sản phẩm du lịch hình thành rõ nét và được du khách đánh giá cao với sản phẩm du lịch nổi trội, như: Lễ hội Thành Tuyên, du lịch cộng đồng Lâm Bình, du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, du lịch sinh thái Na Hang, du lịch tâm linh, du lịch về nguồn (Tân Trào).

Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ, khu, điểm du lịch của Tuyên Quang cũng tiếp tục phát triển. Toàn tỉnh hiện có 288 cơ sở lưu trú, hơn 200 nhà hàng ẩm thực có quy mô lớn; 10 công ty lữ hành; dịch vụ vận chuyển khách du lịch đã có sự tham gia của doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh; 653 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó ba di tích quốc gia đặc biệt; 138 di tích lịch sử cấp quốc gia; 10 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia…

Các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng phát triển sản phẩm du lịch mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Do vậy, trong hai năm 2017 và 2018 đã thu hút được 3.351.500 lượt khách; tổng thu xã hội từ du lịch đạt 2.936 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 14.300 lao động ngành dịch vụ du lịch... Hiện Tuyên Quang thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch tương đối đồng bộ tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, phấn đấu đến năm 2020 đón 1,7 triệu lượt khách du lịch.

Khanh Bùi (tổng hợp)
TTXVN

Có thể bạn quan tâm