Lễ hội Nàng Han của người Thái trắng ở Lai Châu

Các cô gái Thái múc nước tại nơi Nàng Han tắm gội sau khi đánh thắng giặc trước khi bay về trời. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Các cô gái Thái múc nước tại nơi Nàng Han tắm gội sau khi đánh thắng giặc trước khi bay về trời. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Lễ hội Nàng Han được tổ chức từ ngày 5 - 6/3 (tức ngày 14 - 15 tháng 2 âm lịch) tại bản Tây An, xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Lễ hội nhằm tri ân nữ anh hùng Nàng Han, có công đánh đuổi giặc ngoại xâm và mong cầu sự no ấm, cuộc sống an lành, người yên, vật thịnh, mùa màng tươi tốt.

Lễ hội Nàng Han của người Thái trắng ở Lai Châu ảnh 1Các cô gái Thái xinh đẹp tham gia lễ hội Nàng Han. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Tương truyền, Nàng Han xuất thân trong một gia đình nghèo người Thái ở Chiềng Sa (nay là xã Mường So). Nàng Han cải trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi thanh niên trai tráng các bản đoàn kết đánh giặc. Nàng đứng đầu cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái quật cường đánh bại giặc xâm lược phương Bắc.

Sau khi dẫn đoàn quân thắng trận trở về, nàng tắm gội ở mó nước Tây An (xã Mường So) rồi bay lên trời. Từ đó, nhớ công ơn của nàng, bà con lập đền thờ và tổ chức lễ hội ngay ở mó nước nàng tắm. Đối với người Thái trắng ở Phong Thổ, hình tượng Nàng Han có vai trò vô cùng đặc biệt trong đời sống tâm linh. Nàng Han như một vị thần che chở, bảo vệ cho muôn dân, bản mường.

Lễ hội Nàng Han của người Thái trắng ở Lai Châu ảnh 2Đoàn rước vào đền thờ Nàng Han để làm lễ. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Lễ hội Nàng Han của người Thái trắng ở Lai Châu ảnh 3Một điệu múa trong khi làm lễ tại đền thờ Nàng Han. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Những năm gần đây, lễ hội được tổ chức thường niên, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia. Nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái trắng khu vực Mường So, Khổng Lào, huyện Phong Thổ ngày càng được bảo tồn và phát huy lan tỏa.

Tại lễ hội diễn ra nhiều chương trình như: Lễ cúng ở đền thờ Nàng Han với nhiều nghi thức độc đáo; các điệu múa, ẩm thực; trò chơi dân gian: ném còn, đẩy gậy, kéo co, đánh tó má lẹ, đánh cầu, bắn nỏ... cho thấy cuộc sống, tập tục, văn hóa của người Thái đặc sắc và da dạng.

Lễ hội Nàng Han của người Thái trắng ở Lai Châu ảnh 4Một tiết mục văn nghệ khai mạc Lễ hội Nàng Han ở huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Lễ hội Nàng Han của người Thái trắng ở Lai Châu ảnh 5Làm lễ tại đền thờ Nàng Han ở bản Tây An, xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Lễ hội Nàng Han của người Thái trắng ở Lai Châu ảnh 6Du khách rửa tay bên mó nước nơi Nàng Han tắm gội sau khi đánh thắng giặc trước khi bay về trời để cầu may mắn. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Lễ hội Nàng Han của người Thái trắng ở Lai Châu ảnh 7Các cô gái Thái múc nước tại nơi Nàng Han tắm gội sau khi đánh thắng giặc trước khi bay về trời. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Mai Thị Hồng Sim, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, năm nay, Lễ hội Nàng Han được tổ chức với quy mô cấp huyện, nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, gắn với phát triển du lịch.

Lễ hội còn là dịp để nhân dân các dân tộc giao lưu văn hóa, tình cảm, tăng thêm sự hiểu biết, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian phát triển, kết hợp giữa văn hóa truyền thống với văn hóa đương đại. Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, lễ hội cũng là dịp để giới thiệu, tôn vinh và quảng bá bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo và các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của các dân tộc huyện Phong Thổ, góp phần phát huy tiềm năng du lịch, thu hút du khách thập phương và các nhà đầu tư.

Mường So được coi là cái nôi của nền văn hóa Thái, lưu giữ và phát triển bao đời nay. Tựa mình dưới chân núi Phu Nhọ Khọ, nơi giao thoa giữa hai dòng suối Nậm So và Nậm Lùm là bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo, một trong những bản cổ xưa nhất của người Thái trắng ở Lai Châu với những nét văn hóa đặc trưng, cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng. Bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo được ví như viên ngọc quý mà tạo hóa ban tặng cho con người nơi đây.

Nguyễn Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm