Người dân làng Vân Đài thắp hương tại Đền thờ các vị vua triều Trần trước khi vào làng Tam Đường tế lễ. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN |
Năm nay, lễ giỗ công chúa Huyền Trân do nhân dân làng Tam Đường tổ chức từ ngày 14 đến ngày16 tháng Hai âm lịch (tức ngày 19-21/3 dương lịch) với nhiều hoạt động dân gian đặc sắc. Trước ngày giỗ, nhân dân Tam Đường tổ chức lễ tế mở cửa đền. Vào đúng ngày rằm tháng Hai là lễ giỗ chính, cũng là ngày tổ chức lễ giao chạ giữa làng Tam Đường (xã Tiến Đức) và làng Vân Đài (xã Chí Hòa). Ngay từ đầu buổi chiều, người dân làng Tam Đường đã trống giong cờ mở, múa rồng, diễu hành ra đầu làng theo tập tục để đón đoàn tế lễ từ làng Vân Đài lên.
Đoàn làng Vân Đài thắp hương, tế lễ tại Chùa Hội Đồng làng Tam Đường. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN |
Theo tài liệu lịch sử để lại, hoàng hậu của vua Trần Nhân Tông sinh hạ được Huyền Trân công chúa và Diệu Dung công chúa. Khi còn nhỏ, hai chị em công chúa sống với nhau tình nghĩa, keo sơn gắn bó. Trước tình cảnh đất nước bị giặc Nguyên Mông xâm lược, đồng thời để giữ mối bang giao với Chiêm Thành, tập trung đối phó với quân Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Theo tập tục của Chiêm Thành, sau khi vua băng hà, hoàng hậu phải hỏa thiêu theo chồng, công chúa Huyền Trân may mắn được cứu thoát và trở về quê hương. Công chúa được vua cha ban hiệu Diệu Từ Ân công chúa, ngự tại phủ Tân Cương (tức thôn Thái Đường), cùng vua cha lo việc chống giặc Nguyên. Khi công chúa Huyền Trân mất, để ghi nhớ công ơn của bà, nhân dân làng Thái Ðường lập đền thờ và tổ chức lễ giỗ vào ngày Rằm tháng Hai âm lịch hàng năm. Sau này, thôn Phú Đường, Thái Đường, Ngọc Đường (xã Tiến Đức) sáp nhập thành 1 thôn lấy tên gọi là thôn Tam Đường như ngày nay.
Còn người em là công chúa Diệu Dung (hiệu Diệu Từ Dong công chúa), được vua cha giao cho việc sản xuất lương thực, cung cấp quân lương phục vụ công cuộc chống giặc ngoại xâm của nhà Trần. Công chúa Diệu Dung đã khai phá cả một vùng đất rộng lớn Duyên Hà, Tiên Hưng (tức huyện Hưng Hà ngày nay), đồng thời đắp đê ngăn lũ, chống nước biển xâm thực ruộng đồng. Công chúa Diệu Dung là người có công lớn phát hiện và xây dựng làng Vân Đài.
Nhân dân làng Tam Đường đánh trống, múa rồng, diễu hành ra đầu làng để đón đoàn từ làng Vân Đài lên. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN |
Vào ngày Rằm tháng Hai âm lịch, nhân dân thôn Tam Đường (xã Tiến Đức) tổ chức lễ giỗ công chúa Huyền Trân, nhân dân làng Vân Ðài (xã Chí Hòa) cử 64 người quần áo chỉnh tề lên tổ chức tế lễ, giao hiếu. Ngược lại, vào ngày giỗ của công chúa Diệu Dung vào ngày rằm tháng 9 khi làng Vân Ðài mở hội thì 84 người làng Tam Ðường xuống tổ chức tế lễ, giao hiếu với làng em Vân Đài. Bởi thế dân gian có câu “Lệ làng tháng chín, tháng hai / Tam Đường chị xuống, Vân Đài em lên”.
Nhân dân làng Tam Đường đánh trống, múa rồng, diễu hành ra đầu làng để đón đoàn từ làng Vân Đài lên. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN |
Là người nhiều năm cùng với nhân dân hai làng tổ chức lễ giao chạ, ông Phan Văn Tư, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Tiến Đức cho biết: Đội tế 64 hay 84 người đều được quy định từ hương ước của 2 làng xưa kia. Ngày giỗ em là công chúa Diệu Dung, làng Tam Đường của người chị sẽ xuống tế lễ đông hơn là 84 người.
Đến nay tục giao chạ đã có lịch sử hơn 700 năm. Mặc dù có thời kỳ đất nước khó khăn, chiến tranh kéo dài song tục giao chạ vẫn được nhân dân hai làng duy trì với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Lễ hội cũng là dịp để nhân dân địa phương tưởng nhớ công đức của hai công chúa nhà Trần đối với mảnh đất Tam Đường, Vân Đài nói riêng và mảnh đất Long Hưng, Hưng Hà nói chung.
Ông Nguyễn Viết Liêm, Trưởng thôn Vân Đài, xã Chí Hoà cho biết: Tục lệ này đã có từ lâu, đến nay hai làng vẫn giữ tình kết nghĩa, coi nhau như anh em trong nhà, mọi công việc của làng này cũng là công việc của làng kia mặc dù hai làng ở hai xã khác nhau và cách nhau hơn 10 km.
Theo các bậc cao niên trong làng Tam Đường và Vân Đài, giao chạ có nghĩa là kết nghĩa chạ trên với chạ dưới, làng trên với làng dưới. Ở Thái Bình chỉ có duy nhất làng Tam Đường và làng Vân Đài có tục giao chạ độc đáo này. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay nhân dân hai làng vẫn thân thiết, đoàn kết, cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống. Họ gọi nhau bằng anh - em, chị - em thân mật như anh em ruột thịt trong nhà. Đặc biệt, từ bao đời nay theo tục lệ của hai làng, trai gái không bao giờ kết nghĩa phu thê.
Là người con xa quê hương nhưng năm nào đến ngày giỗ mẫu Huyền Trân và Diệu Dung, bà Phan Thị Vân, thôn Tam Đường, xã Tiến Đức cũng trở về quê để tham dự ngày lễ ý nghĩa này. Mong mỏi của bà Phan Thị Vân cũng như nhiều người dân thôn Tam Đường là được các cấp chính quyền quan tâm, huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng ngôi đền thờ công chúa Huyền Trân khang trang hơn cho xứng đáng với những đóng góp của bà đối với quê hương Hưng Hà cũng như lịch sử của nhà Trần.
Trong hơn 700 năm tồn tại, tục giao chạ, kết nghĩa anh em đã trở thành nét văn hóa đặc biệt của người dân địa phương. Cùng với hệ thống các di sản còn lưu giữ tại mảnh đất Hưng Hà ngày nay như tục rước nước, thi cỗ cá…, tục giao chạ “có một không hai” đã góp phần đưa lễ hội Đền Trần Thái Bình trở thành di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Với ý nghĩa sâu sắc, hi vọng tục giao chạ sẽ tiếp tục được các thế hệ con cháu vùng quê Tiến Đức, Chí Hòa gìn giữ, bảo tồn, phát huy những nét đẹp truyền thống của cha ông để lại.
Thu Hoài
TTXVN