Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng xếp hạng Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo-Ba Thế là Di tích Quốc gia đặc biệt cho đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo - TTXVN
|
Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng và là cơ hội tốt để Di tích Óc Eo – Ba Thê được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, hợp lý, hiệu quả, hướng đến việc xây dựng một Khu du lịch Di tích văn hóa thu hút đông đảo người dân đến tham quan, nghiên cứu.
Văn hóa Óc Eo hình thành và phát triển mạnh ở khu vực đồng bằng Nam bộ, từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ VII. Nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret (Lu-i Ma-let) qua nghiên cứu không ảnh đã xác định được dấu vết của thành phố cổ Óc Eo. Qua khai quật khảo cổ, Louis Malleret cũng đã xác định được vòng thành cổ và nhận định, đây là một đô thị cổ, hay còn gọi là thị cảng Óc Eo. Tên gọi Óc Eo được ông Louis Malleret đặt theo tên địa điểm gò Óc Eo ở huyện Thoại Sơn (An Giang), khi di tích này được phát hiện và công bố năm 1942. Từ năm 1944 đến nay, nhiều di tích ở khu vực này đã được khai quật như: Giồng Cát, Giồng Xoài, Gò Óc Eo, Gò Cây Thị, Gò Da, Gò Út Trạnh, Nam Linh Sơn, Gò Cây Me, Gò Tư Trâm, Gò Út Nhanh, di chỉ đá nổi …
Ngoài phân bố trên địa bàn huyện Thoại Sơn, di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo còn được phát hiện trên địa bàn các huyện Tri Tôn và Tịnh Biên và một số huyện, thị trong tỉnh An Giang.