Lễ chùa đầu năm - nét văn hóa đẹp khi mùa xuân đến

Lễ chùa đầu năm - nét văn hóa đẹp khi mùa xuân đến
Lễ chùa đầu năm được coi là nét văn hóa đẹp của người dân. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN
Lễ chùa đầu năm được coi là nét văn hóa đẹp của người dân.
Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Ngay thời điểm giao thừa, sau khi hoàn tất nghi lễ cúng gia tiên, cúng thần linh, nhiều người đã đi lễ chùa với tâm nguyện được đón nhận quả phúc, đón những điều may mắn ở những giờ phút đầu tiên của năm. Thắp nén hương thơm giữa thời khắc linh thiêng chuyển giao năm cũ sang năm mới, người ta tĩnh tâm để hướng đến đến cái thiện, hướng đến sự từ bi, trí tuệ của nhà Phật. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh, các chùa đã rộng cửa đón lòng thành kính của khách thập phương đến chiêm bái, lễ Phật. Nhiều ngôi chùa nổi tiếng của Hà Nội như: chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, chùa Láng, chùa Hà, Tảo Sách, Vạn Niên, Kim Liên, chùa Bà Đá, tổ đình Phúc Khánh... và cả các đền phủ khác như: Phủ Tây Hồ, Thăng Long tứ trấn, đền La Khê... đều chật kín người đến lễ lúc giao thừa và những ngày đầu năm mới. 
 
Đông đảo người dân Thủ đô và du khách quốc tế đến chùa Trấn Quốc để cầu may. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN
Đông đảo người dân Thủ đô và du khách quốc tế đến chùa Trấn Quốc để cầu may. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ) vốn là điểm tâm linh không chỉ thu hút người dân Hà Nội mà cả người dân các tỉnh, do vậy di tích này quanh năm đông khách. Dù thời điểm giao thừa Ban quản lý di tích không mở cửa song nhiều người dân trong vùng vẫn đến lễ vái vọng từ ngoài vào. Từ 5 giờ sáng mùng 1 Tết, cửa di tích Phủ Tây Hồ bắt đầu mở cửa cũng là lúc người dân nườm nượp tới đây. Ông Trương Tín Hồi, quyền Trưởng ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ cho biết, cao điểm là ngày mùng 1 và mùng 2 Tết người dân đến lễ chật kín cả khu vực nội tự lẫn ngoài sân, mỗi ngày lên tới 10.000 người. Từ mùng 3 đến mùng 5 Tết, lượng người giảm hơn nhưng ước khoảng 5.000 – 6.000 người đến lễ. Nếu hai ngày đầu tập trung khách là người Hà Nội là chủ yếu thì hiện nay rất đông khách các tỉnh về lễ, thậm chí có đoàn lên tới 100 – 200 người. Trước lượng khách tăng đột biến trong những ngày đầu năm, Ban quản lý tăng cường lực lượng bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hướng dẫn khách tuân thủ mọi quy định khi đi lễ. 
 
Quang cảnh chùa Trấn Quốc. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN
Quang cảnh chùa Trấn Quốc. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Chùa Hà (quận Cầu Giấy) cũng luôn tấp nập người tới chiêm bái, lễ Phật vào thời điểm giao thừa và những ngày đầu năm. Ngay từ cổng chùa, người ta đã cảm nhận được sự đông đúc bởi dòng người qua lại nườm nượp. Để đảm bảo cho khách, Ban quản lý di tích chùa Hà phối hợp cùng các đoàn thể, lực lượng công an tổ chức hướng dẫn du khách thực hiện văn minh nơi thờ tự, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. 

Tại đền Quán Thánh (quận Ba Đình) nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ cũng đông không kém trong những ngày đầu năm. Những người trông coi di tích cho biết, ngay từ tối 30 Tết rất nhiều người đã đến đây lễ. Mặc dù đền Quán Thánh rộng hơn nhiều đền, chùa khác song do lượng khách đông nên có thời điểm tại khu vực thờ tự bên trong các lối đi chật kín... 

Hà Nội đang vào mùa cao điểm của lễ hội với hàng loạt lễ hội lớn, nhỏ diễn ra ở khắp các quận, huyện, thị xã. Đi lễ đầu năm vừa là nhu cầu tâm linh của người dân vừa là nét đẹp văn hóa từ bao đời nay. Song để nghi lễ này vừa đảm bảo tính truyền thống, vừa đảm bảo văn minh nơi thờ tự, những người quản lý di tích và chính quyền địa phương đang tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng các quy định.
Đinh Thị Thuận 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm