Nhằm khắc phục hậu quả mưa lũ, tạo điều kiện cho các hoạt động hồi phục kinh tế, xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung nguồn lực khôi phục hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương, ngành có liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng công trình; mức độ thiệt hại, đề xuất phương án xử lý đối với các vị trí hư hỏng phức tạp, thực sự cần thiết. Dự kiến kinh phí và đề xuất danh mục dự án đầu tư công khẩn cấp trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Lệnh xây dựng công trình để triển khai thực hiện, khôi phục lại kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác.
Đối với các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn đã bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng và đang trong thời gian bảo hành thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải về phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ.
Đối với các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn đang thực hiện thi công theo dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các đơn vị rà soát khối lượng các hạng mục công việc xây dựng đã được nghiệm thu, lập hồ sơ xử lý thiệt hại do mưa lũ, làm cơ sở để chủ đầu tư phê duyệt điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh bổ sung dự án.
Tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu các chủ đầu tư rà soát lại các dự án có mua bảo hiểm cho các gói thầu thi công xây dựng, làm việc với đơn vị bảo hiểm để xác định mức bồi thường thiệt hại, giảm kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai cho ngân sách nhà nước. Đối với các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao thực hiện như các nội dung nêu đối với dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó lưu ý các chủ đầu tư cần khẩn trương hót dọn khối lượng sạt lở do mưa lũ để tổ chức nghiệm thu, đưa vào sử dụng những đoạn tuyến, gói thầu đã hoàn thành đủ điều kiện nghiệm thu, đưa vào sử dụng theo quy định.
Ngoài ra, tỉnh Lào Cai cũng chỉ đạo các ngành, địa phương chỉ xử lý đối với các vị trí hư hỏng phức tạp, thực sự cần thiết như bị xói trôi nền mặt đường, đứt đường, xử lý taluy âm sạt lở không đảm bảo an toàn giao thông… để phù hợp với nguồn lực của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Kiểm tra tổng thể các vùng, khu vực có nguy cơ sạt trượt để cắm biển cảnh báo, có kế hoạch di chuyển các hộ dân đến nơi an toàn.
Cùng đó, nghiên cứu chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với ruộng bậc thang, ao, hồ, đập chứa nước trên các khe núi… để đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống dưới chân núi, đồng thời hạn chế sạt lở taluy của các tuyến đường giao thông. Thống nhất khu vực đổ đất đá bị sụt trượt, bảo đảm bố trí khu vực đổ đất, đá bị sụt trượt để tạo thuận lợi cho công tác khắc phực sự cố giao thông; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng trong trường hợp khắc phục hư hỏng lớn phải mở rộng đường hoặc cải tuyến để bảo đảm an toàn theo chỉ đạo của Chính phủ về việc các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả hoàn lưu bão số 3 (Yagi).
Trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (bão Yagi), hầu hết các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện trên địa bàn tỉnh Lào Cai bị sạt lở, sụt lún gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Thống kê của ngành giao thông, các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh như: Quốc lộ 4, 4D, 279 sạt ta luy dương 352 vị trí, khối lượng sạt 134.799m3; sạt ta luy âm 29 vị trí, chiều dài 1.388m. Các tuyến đường tỉnh từ 151-162 sạt ta luy dương 145 vị trí, khối lượng sạt 132.774m3; sạt ta luy âm 24 vị trí, chiều dài 1.567m. Đường giao thông cấp huyện, xã quản lý bị sạt lở, hư hỏng 753 tuyến; sạt ta luy dương 1.887 vị trí với khối lượng sạt 543.510m3; sạt ta luy âm 176 vị trí, chiều dài 136.838m; ngập úng cục bộ, ách tắc 609 điểm. Để đảm bảo giao thông thông suốt, ngành giao thông vận tải và các địa phương của Lào Cai đã huy động tối đa máy móc, nhân lực để khắc phục hậu quả mưa lũ, thông xe bước 1 trong thời gian sớm nhất.
Hồng Ninh