Không bùng phát thành đại dịch như khi mới xuất hiện nhưng thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi vẫn âm ỉ xảy ra tại nhiều địa phương của Lào Cai. Đặc biệt, từ tháng 8/2023 đến nay, dịch bệnh có chiều hướng gia tăng ở những nơi có tổng đàn lợn lớn.
Do nhiều yếu tố, nguy cơ dịch lây lan trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 tại Lào Cai được dự báo là rất cao. Rút kinh nghiệm từ những năm trước khi người chăn nuôi còn chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh, thời điểm này, người chăn nuôi ở Lào Cai đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng phòng dịch tả lợn châu Phi từ xa, từ sớm.
Bảo Thắng là vùng chăn nuôi trọng điểm, chiếm hơn 40% tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh Lào Cai. Thời điểm này, sau khi tái đàn, các hộ chăn nuôi tại địa phương đang vừa lo vỗ béo đàn vật nuôi phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2024 vừa lo phòng dịch tả lợn châu Phi.
Năm 2019, gia đình chị Đỗ Thị Phương, thôn Mỏ, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng là hộ chăn nuôi đầu tiên của địa phương bị mắc dịch tả lợn châu Phi và buộc phải tiêu hủy gần 5 tấn lợn. Sau cú sốc đó, gia đình chị bắt đầu thấm thía tầm quan trọng của việc phòng dịch từ xa, từ sớm.
Gia đình chị Phương bắt đầu chú trọng áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất, tổng vệ sinh, khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh 2 lần/tuần; phát quang bụi rậm, dọn cống thoát nước, phun thuốc tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh (ruồi, muỗi...); ngăn chặn côn trùng loài gặm nhấm vào chuồng trại.
Đặc biệt, cuối tháng 10/2023, gia đình chị Phương mạnh dạn phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai và Công ty cổ phần AVAC Việt Nam - một trong hai công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi - kiểm tra lâm sàng và tiến hành tiêm phòng vaccine cho 47 con lợn của gia đình. Đây là lứa lợn gia đình chị đang vỗ béo cung cấp cho thị trường Tết sắp tới.
Chị Phương cho biết, sau tiêm, đàn lợn có sức khỏe bình thường, sinh trưởng phát triển tốt. "Chi phí vài chục nghìn đồng cho 1 mũi tiêm vaccine cho lợn sẽ yên tâm hơn nhiều", chị Phương chia sẻ.
Gia đình bà Trịnh Thị Hải, xã Sơn Hải có kinh nghiệm hơn chục năm chăn nuôi lợn. Hiện, gia đình duy trì đàn lợn nái 60 con và 500 con lợn thịt/lứa, sản lượng trung bình xuất bán hơn 100 tấn/năm. Trang trại của gia đình bà cung cấp lợn thịt quanh năm nhưng khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch vẫn là thời điểm nuôi với số lượng nhiều nhất để đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết.
Bà Hải cho biết: Dịp tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao nhất trong năm, nên gia đình luôn tăng đàn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trước khi tái đàn, gia đình vệ sinh chuồng trại cũng như các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa điều kiện phát sinh dịch bệnh. Mỗi loại lợn sẽ được chăm sóc riêng biệt ở từng ngăn chuồng khác nhau để thuận lợi phân loại thức ăn, theo dõi sức khỏe cũng như hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn do virus gây ra. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai, từ năm 2019 đến năm 2023, ước tổng thiệt hại do dịch bệnh tả lợn châu Phi gây ra tại Lào Cai khoảng trên 200 tỷ đồng. Tại Lào Cai, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra đầu tiên từ năm 2019, khi đó dịch bệnh xảy ra tại 6.698 hộ (chiếm 9,41% số hộ chăn nuôi toàn tỉnh), làm 36.881 con lợn mắc bệnh và cùng đàn phải tiêu hủy; số lượng tiêu hủy trên 7% tổng đàn lợn toàn tỉnh.
Lào Cai đã thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch như: tập trung lực lượng, khoanh vùng khống chế, thực hiện phun hoá chất khử trùng, tiêu độc tại ổ dịch và khu vực xung quanh; tiêu hủy gia súc mắc bệnh theo quy định; giám sát chặt chẽ ổ dịch... Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn.
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao. Nguyên nhân là do virus dịch tả lợn châu Phi có khả năng đề kháng cao, tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền phức tạp và khó kiểm soát; bệnh chưa có thuốc điều trị; chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ lớn, trong khi đó không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; việc buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn gia tăng vào các tháng cuối năm; thời tiết chuyển mùa thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và gây bệnh…
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai Lê Tân Phong, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh là điều kiện tiên quyết dẫn đến thành công trong chăn nuôi và tiêm vaccine là một giải pháp quan trọng để chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Do đó, vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Công ty cổ phần AVAC Việt Nam kiểm tra lâm sàng và tiến hành tiêm phòng vaccine AVAC ASF LIVE cho 63 con lợn của 3 hộ chăn nuôi của huyện Bảo Thắng. Đến thời điểm hiện tại, đàn lợn sau tiêm phòng vẫn phát triển bình thường; kết quả kiểm tra kháng thể bảo hộ 28 ngày sau tiêm phòng vaccine đạt cao.
Chia sẻ giải pháp sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, đại diện Công ty cổ phần AVAC Việt Nam cho biết: vaccine AVAC ASF LIVE được sản xuất trên tế bào dòng, chỉ sử dụng trên lợn thịt khỏe mạnh từ 4 tuần tuổi trở lên, dùng một liều duy nhất với thời gian bảo hộ kéo dài ít nhất 5 tháng.
Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của Lào Cai. Cùng với các giải pháp về an toàn sinh học, việc tiến hành tiêm vaccine phòng bệnh trên diện rộng đang được kỳ vọng sẽ là giải pháp hiệu quả góp phần phòng, chống dịch bệnh từ xa, giúp thúc đẩy phát triển bền vững ngành chăn nuôi Lào Cai trong thời gian tới.
Hương Thu