Lạng Sơn đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử

Lạng Sơn đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử

Ngày 8/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn công bố cung cấp trực tuyến mức 4 với toàn bộ 1.030 dịch vụ công đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.

Như vậy, Lạng Sơn là đơn vị thứ 6 và là tỉnh thứ 3 trong cả nước hoàn thành sớm chỉ tiêu đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên online mức 4. Đây là bước đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử của Lạng Sơn - một tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn.

Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn, trong 1.030 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được tỉnh cung cấp từ ngày 8/6 để phục vụ người dân và doanh nghiệp, có 838 dịch vụ cấp tỉnh, 149 dịch vụ cấp huyện và 43 dịch vụ cấp xã.

Đặc biệt, việc thực hiện chỉ tiêu đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 đã được tỉnh gấp rút triển khai trong thời gian 30 ngày. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên khẳng định, có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, các huyện thành phố; sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Lạng Sơn với Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông... Nhờ vậy, Lạng Sơn đã hoàn thành kế hoạch trước thời hạn 7 tháng và trở thành tỉnh có thời gian thực hiện nhanh nhất trong cả nước.

Tỉnh Lạng Sơn cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn là một bước hiện thực hóa mục tiêu “Chính quyền kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”. Qua đó, cho phép người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng Internet ở mọi lúc, mọi nơi, không phân biệt khoảng cách địa lý, tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh, loại bỏ khó khăn do đi lại từ vùng sâu, vùng xa đến trụ sở cơ quan hành chính.

Bên cạnh đó, dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 cũng giúp minh bạch hóa triệt để quá trình xử lý hồ sơ của cơ quan hành chính nhà nước, tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy kinh tế thương mại, cửa khẩu; hỗ trợ cả nước trong hoạt động xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn; tăng hiệu suất kinh tế...

Việc sử dụng triệt để dịch vụ công trực tuyến cũng được coi là một trong những biện pháp tích cực và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay.

Thái Thuần

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm