Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 7 sông chính với một số phụ lưu và hơn 100 hồ, đập lớn, nhỏ. Để đảm bảo an toàn giao thông trên các sông suối, hồ đập cũng như phòng, chống đuối nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa cho người dân sinh sống quanh khu vực hồ đập, sông suối.
Do địa hình rừng núi phức tạp, hầu hết các sông trên địa bàn tỉnh đều có nhiều thác ghềnh, nước thường cạn hoặc chảy xiết nên việc khai thác vận tải hầu như bị hạn chế. Hiện tại, chỉ có các sông Kỳ Cùng, Bắc Khê, Bắc Giang và sông Thương còn khai thác vận tải tại một số đoạn nước sâu, gần các trung tâm kinh tế - xã hội. Hoạt động vận tải chủ yếu vào mùa mưa với khối lượng vận chuyển nhỏ và phương tiện chủ yếu là bè mảng thô sơ…
Anh Hoàng Văn Hạnh, người dân xã Hữu Liên (huyện Hữu Lũng) cho biết, những năm gần đây, người dân ở xã phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm trên hồ đập như chèo thuyền, chèo bè mảng… thu hút rất nhiều du khách, trong đó có nhiều học sinh và trẻ em. Việc đảm bảo an toàn luôn được gia đình cũng như người dân ở đây quan tâm.
Theo Thiếu tá Dương Hoàng Anh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường sắt – đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lạng Sơn), do nhu cầu dân sinh, tại một số đoạn của sông Kỳ Cùng, sông Thương, sông Bắc Giang và một số hồ đập lớn có dòng chảy ổn định, lòng sông rộng có tình trạng người dân dùng bè mảng và phương tiện thủy thô sơ để đưa đón người qua sông, vận chuyển hàng hóa. Qua kiểm tra thực tế và thống kê rà soát, toàn tỉnh hiện có khoảng 300 phương tiện thủy nội địa hoạt động. Các phương tiện này hoạt động không thường xuyên, chủ yếu là thuyền, bè thô sơ có trọng tải dưới một tấn hoặc sức chở dưới 5 người.
Thiếu tá Dương Hoàng Anh cho biết, lực lượng Công an đã phối hợp với chính quyền địa phương nơi có sông suối, hồ đập tổ chức tuyên truyền, vận động hơn 470 lượt chủ phương tiện thủy thô sơ ký cam kết với nội dung như: chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông; chỉ sử dụng phương tiện thủy khi đã chấp hành quy định về đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ điều khiển phương tiện; thường xuyên trang bị sử dụng áo phao, phao cứu sinh, dụng cụ nổi và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn để phòng ngừa tai nạn đuối nước…
Để đảm bảo an toàn giao thông trên các sông suối, hồ đập cũng như phòng, chống đuối nước, các cấp, ngành tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa cho người dân sinh sống quanh khu vực hồ đập, sông suối. Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng đã tổ chức trên 240 buổi tuyên truyền với hơn 15.000 lượt người tham gia; phát trên 10.000 tờ rơi tuyên truyền về an toàn giao thông đường thủy và cách phòng tránh tai nạn khi di chuyển bằng bè, mảng qua sông suối.
Ban An toàn giao thông tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo, phối hợp cùng các địa phương triển khai tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện những quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021 – 2030 cho chủ phương tiện, người lái phương tiện, hành khách, nhân dân sinh sống ven sông hồ, trên lòng hồ, bến khách ngang sông, các điểm tham quan, du lịch, vui chơi giải trí…
Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Thanh Long cho hay, Ban đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát các chủ phương tiện, người lái phương tiện trong việc thực hiện các quy định an toàn giao thông đường thủy; chú trọng kiểm tra các quy định về an toàn như trang bị cứu hộ và sử dụng phao cứu sinh. Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát, cắm đầy đủ biển báo tại các vị trí nguy hiểm để cảnh báo cho trẻ em về nguy cơ bị đuối nước khi tắm tại các hồ đập, sông suối.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi với phần đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy của người dân còn hạn chế. Hầu hết người tham gia giao thông khi đi thuyền, bè, mảng chưa thực hiện quy định mặc áo phao dẫn đến tình trạng đuối nước vẫn xảy ra, trong đó hầu hết là học sinh và trẻ nhỏ. Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần tự giác chấp hành các quy định khi tham gia giao thông đường thuỷ, tích cực cảnh báo học sinh, trẻ em không tắm sông suối, hồ đập, đồng thời tự trang bị kỹ năng bơi lội để tự bảo vệ mình.
Nguyễn Quang Duy